Bản tổng kết của VPF nhấn mạnh chất lượng chuyên môn của cả ba giải đấu (V-League, hạng Nhất và cúp quốc gia) đều đạt sự ổn định và có hướng phát triển. Nhiều trận đấu diễn ra sôi nổi với tốc độ cao, có sức cuốn hút, các cầu thủ đua tranh quyết liệt, nhiều tình huống bất ngờ, hấp dẫn, nhiều pha ghi bàn đẹp mắt, có đẳng cấp…
Thế nhưng Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì trần tình về việc tìm kiếm tài trợ hiện nay vô cùng khó khăn. Ông chỉ ra nguyên nhân chính ai cũng thấy bóng đá Việt Nam đã đánh mất quá nhiều niềm tin của người hâm mộ và doanh nghiệp. Ông chủ tịch VFF cũng không quên nhắn nhủ Eximbank sẽ rút lui sau sáu năm hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam chủ yếu nhờ tiếng nói trọng lượng của người đứng đầu hơn là một chiến lược quảng bá hiệu quả cho họ. Việc ông Dũng không còn dựa vào uy tín của mình để đứng ra “bảo lãnh” cho V-League và gợi ý cho VPF tìm nhà tài trợ khác đã nói thay cho việc bóng đá Việt Nam có sức cuốn hút, có hấp dẫn hay không.
Hội nghị tổng kết vẫn chưa dám đi vào sự thật và sự trì trệ của một giải đấu. Ảnh: XUÂN HUY
Bên cạnh đó, thống kê ước lượng có chiều hướng “kê” thêm của VFF cho thấy bình quân mỗi trận đấu chỉ có khoảng 7.000 khán giả, kém xa mùa 2013 có hơn 9.000 người đến sân đủ thấy sự đi xuống của một nền bóng đá. Tương tự, giải hạng Nhất có khoảng 2.000 khán giả, so với con số bình quân hơn 3.000 người chịu đến sân xem mỗi trận.
Đáng chú ý vẫn là đánh giá của chính ông trưởng ban tổ chức giải Tanaka Koji khi chỉ ra rằng ở mỗi trận đấu, bình quân bóng lăn quy chuẩn của FIFA phải là 60 phút, trong khi bình quân một trận tại V-League, bóng chỉ lăn có 51 phút.
Những con số biết nói ấy có sức thuyết phục cao hơn kiểu nhìn nhận chung chung và tròn vo như bao đời nay của các nhà làm giải khi tổng kết một mùa bóng.
Theo chúng tôi, dấu son lớn nhất ở mùa giải năm nay là việc VFF mạnh tay với tiêu cực, điển hình qua hai vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc của nhiều cầu thủ V. Ninh Bình và Đồng Nai. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ chính ông đã thuyết phục bầu Trường hơn ba giờ đồng hồ đưa tội lỗi của cầu thủ mình ra ánh sáng và còn khẳng định con số dính chàm cao hơn chín cầu thủ.
Thế nên việc VPF nhìn nhận V-League hấp dẫn qua định lượng bàn thắng tăng cao với 466 lần phá lưới nhau cũng cần phải định tính lại có bao nhiêu bàn thắng phục vụ cho mục đích “nổ tài” của hơn chục cầu thủ phạm tội và còn nằm trong bóng tối?
V-League đã qua tuổi 14 nhưng cái cách nhìn nhận của ban tổ chức giải qua bản tổng kết vẫn còn rất sáo mòn và chưa đi đến cùng sự thật.
CÔNG TUẤN
Cầu thủ Việt Nam lười chạy nhưng bàn thắng thì cứ tăng cao Có một nghịch lý là số liệu bình quân trong một trận đấu của một cầu thủ Việt Nam quá thấp với mỗi trận chỉ di chuyển 5,807 km và con số này so với Mueller của đội Đức tại World Cup thì chưa được một nửa. Điều này tỉ lệ với thời gian bóng trong cuộc chỉ có 51 phút, như vậy là bình quân mỗi trận ở V-League bóng “chết” lên đến 39 phút. Thế mà bàn thắng thì cứ tăng vù vù và có vòng đấu số bàn thắng còn kinh khủng hơn World Cup. Số bàn thắng trùng với kèo tài mà hai vụ án bóng đá Việt Nam năm 2014 cầu thủ đều chơi “tài” (nhiều bàn thắng) khi làm độ. A.BÌNH - Đồ họa: BB |