Tất nhiên, trước yêu cầu phải đảm bảo trật tự đô thị và những hệ lụy phát sinh từ nó như vệ sinh an toàn thực phẩm, chính quyền buộc phải tính tới chuyện xử lý chợ tự phát. Vấn đề là làm sao cho khoa học, hợp lý tránh những xung đột lợi ích có thể xảy đến.
Muốn thế, đầu tiên phải xem lại khoảng cách của chợ tự phát đó so với chợ hợp pháp là bao xa. Trong tổng thể quy hoạch, cứ một chợ/siêu thị có thể phục vụ với bán kính 500 m. Đi xa hơn thì người mua sẽ ngại khó và rất dễ sinh ra chợ tự phát khác.
Thứ hai là xem lại nhu cầu khi đi chợ. Tại sao người ta thích đi chợ tự phát, chợ cóc? Tại vì người ta không phải gửi xe lích kích, xách giỏ khệ nệ đi bộ, mướt mồ hôi chen lấn trong nhà chợ vừa ẩm thấp, kém sáng lại đọng rác, lầy nhầy nước. Chợ hợp pháp liệu có còn “quyến rũ” được người dân không, cả về quy mô, chất lượng? Nếu không có chợ hợp pháp thì đã có siêu thị hay chưa, siêu thị bán với giá cả thế nào, có thỏa mãn được nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là công nhân, người thu nhập thấp hay chưa?
Nếu không có chỗ để mua hàng thì người dân sẽ tìm chợ tự phát khác. Có cầu ắt có cung, người mới bị dẹp ở chỗ này sẽ nhảy sang chỗ khác lập chợ tự phát nữa... Dẹp một chợ tự phát mà đẻ ra hai, ba chợ tự phát nhỏ ở chỗ khác, gần gần đó, là hoàn toàn có thể xảy ra theo quy luật có cầu ắt có cung.
Khoảng 10 năm trước, chúng ta đặt ra bài toán dẹp chợ tự phát, song song với nâng cấp, cải tạo chợ hợp pháp, xây chợ mới - thay chợ cũ. Thử xem bao nhiêu năm qua chúng ta đã cải tạo, nâng cấp hiệu quả được bao nhiêu chợ?
Trong hơn chục năm qua, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi nhiều. Mười mấy năm trước, nhiều người dân còn ngại siêu thị “sang cả” quá. Bây giờ thì siêu thị đã quen thuộc lắm rồi. Vấn đề chính hiện nay là giá cả trong siêu thị còn khá cao so với giá tại chợ, tạp hóa. Trong giá cao đó, chúng ta cũng nên nhìn nhận là nguồn thực phẩm sống trong các hệ thống siêu thị, dù gì cũng đã cam kết về chất lượng tốt hơn bên ngoài. Giải quyết được vấn đề giá cả - chất lượng này thì không khó thu hút người dân thay đổi thói quen mua hàng.
Cho nên để thay thế dần các chợ tư phát, cần tăng cường sự hiện diện của siêu thị, cửa hàng bán lẻ với chất lượng đảm bảo, giá cả thích hợp và vị trí thuận tiện. “Đánh” ngay vào những vùng sát bên chợ tự phát, “cạnh tranh” trực tiếp với chợ tự phát. Cung tốt ắt sẽ hút cầu.
Làm được như thế, chính quyền vừa có thể quyết được vấn đề chợ tự phát kéo dài dai dẳng suốt bao nhiêu năm qua, đảm bảo hiệu năng quản lý của mình mà các tổn thương có thể xảy ra cũng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.