CẢI CÁCH LUẬT HÌNH SỰ Ở MỸ - BÀI CUỐI

Không để phạm nhân tàn đời trong tù

Phạm tội lần đầu, với tính chất phi bạo động, thế nhưng Sharanda Jones tuy thoát án tử nhưng vẫn phải “tiêu” dần cuộc đời mình trong lao tù. Năm nay Jones 48 tuổi. Chị là một trong hàng ngàn tù nhân bị phán quyết bản án bắt buộc tối thiểu khắc nghiệt vì những vi phạm liên quan đến ma túy như phát tán cocaine nguyên chất. Những trường hợp này đang thu hút sự chú ý của dư luận nước Mỹ.

Hàng chục ngàn người chịu tù chung thân không đáng

Vài tháng trước, Tổng thống Obama đi thăm một nhà tù liên bang ở Oklahoma để thúc đẩy kế hoạch tái xem xét hệ thống pháp luật hình sự. Ông nói: “Việc xử lý những tội liên quan đến ma túy có tính chất phi bạo lực đang trở nên bức bách. Hiện có nhiều phán quyết không hoàn toàn tương thích với hành vi vi phạm”.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đề cập trong kỳ trước - Xử chung thân bằng “toán học” - do có vai trò trung gian trong vụ mua bán cocaine, Jones bị cáo buộc là “mắt xích” trong một “âm mưu buôn ma túy”. Thẩm phán khu Jorge Solis khẳng định Jones chịu trách nhiệm trong việc phân phối 30 kg cocaine dạng bột. Theo “phép toán” của chính quyền, 30 kg cocaine dạng bột này được quy đổi “ngang” với 13,39 kg cocaine nguyên chất. Thế nên bản án dành cho Jones khắc nghiệt hơn vì cô bị gia tăng mức án phạt. Bên cạnh đó, dù Jones không cung cấp cũng không mua ma túy, cô vẫn bị các công tố viên cáo buộc tội cầm đầu một đường dây ma túy. Cuối cùng, dù chỉ bị kết một tội danh duy nhất, Jones còn bị tuyên án tử hình nhưng sau được xem xét lại thành tù chung thân - một án phạt đầy tranh cãi.

Theo Tổ chức Quyền công dân Mỹ, có khoảng 100.000 người đang thụ án trong các nhà tù liên bang do các tội có liên quan đến ma túy, hàng ngàn người trong số đó là những người phạm tội thuộc loại phi bạo lực bị tuyên án chung thân như Jones và không có cơ hội được phóng thích. Hầu hết họ là những người nghèo khổ và 4/5 người đều là người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Tây Ban Nha. Bộ trưởng Tư pháp Eric H. Holder cho rằng cách tuyên án bắt buộc tối thiểu áp dụng với những trường hợp như Jones là “tàn bạo”. Lẽ ra họ phải được nhận một bản án nhẹ nhàng hơn nếu không “xử án đơn thuần bằng toán học”.

Đầu năm 2014, Eric H. Holder đã đưa ra sáng kiến khoan hồng đối với một số tội nhân thuộc loại phi bạo lực có liên quan đến ma túy đang bị giam giữ trong các nhà tù liên bang. Jones hội đủ những tiêu chí về khoan hồng. Tuy nhiên, chị lại gặp rắc rối về quy trình. Chỉ có 89 trong hơn 35.000 tù nhân nộp đơn được phóng thích. Trong số đó có 46 người được nhận sự khoan hồng từ Tổng thống Obama. Rất tiếc là Jones không có tên trong danh sách 89 người được nhận sự khoan hồng.

Suốt 16 năm qua, Jones học cách không khóc. Ảnh: GETTY IMAGES

Luận văn của người “mất ngủ”

Năm 1999, Bittany K. Byrd (là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành luật của Trường ĐH Southern Methodist) nghe nói về vụ án của Jones. Hồi ấy cô đang tham dự một khóa tọa đàm về chủ đề chủng tộc và luật pháp. Chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp của mình, Byrd muốn viết về sự không giống nhau trong bản án đối với tội có liên quan đến cocaine nguyên chất và cocaine dạng bột cũng như ảnh hưởng khác nhau đối với người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Và cô đã có chất liệu thật để nhân đạo hóa chủ đề của mình. “Tôi muốn chỉ cho các bạn trong buổi tọa đàm và giáo sư của tôi thấy sự bất cập phía sau những vụ án xử bằng toán học, cũng như sự đánh đổi tính nhân đạo để chiến thắng trong cuộc chiến về ma túy” - Byrd nói. Sau khi nộp luận văn, Byrd không nguôi suy nghĩ về trường hợp của Jones. “Vụ này khiến tôi mất ngủ. Nó giằng xé tim tôi”. Cô gửi vào tù cho Jones một tấm bưu thiếp, kể với chị ấy rằng cô là sinh viên luật và cô muốn cứu chị. Nhưng Jones chỉ biết hồi âm: “Tôi ở đây nhưng không ai thật sự giúp tôi”.

Jones là một tù nhân mẫu mực, quản lý cả chục lớp học và tư vấn cho những tù nhân khác, thế nhưng chẳng có hành động tốt nào giúp chị thoát khỏi ngục tù. Cái phao duy nhất của đời chị chính là lệnh khoan hồng của tổng thống. Tháng 12-2013, Byrd là luật sư của một công ty ở Dallas. Cô đã làm đơn xin khoan hồng cho Jones gửi lên Bộ Tư pháp và các luật sư của Nhà Trắng. Cô cũng viết một lá đơn xin khoan hồng khác nhận được hàng ngàn chữ ký, thư ủng hộ từ các nhà thờ địa phương. Nhưng Byrd không được hồi âm.

Tổng thống Obama hồi âm

Nhưng hơn một năm sau, chính quyền Obama bắt đầu khởi động sáng kiến về sự khoan hồng. Jones hội đủ tiêu chuẩn của sáng kiến này. “Tôi thực sự vui sướng” - Byrd nhớ lại chị đã viết một lá đơn nữa bổ sung cho lá đơn mà Jones gửi lên Tổng thống Obama. Suốt mấy tháng trời, luật sư Byrd chẳng nhận được tăm hơi gì.

Cuối tháng 3 năm nay, cô nhận được một cuộc gọi từ văn phòng phụ trách vấn đề phóng thích tù nhân. Tổng thống Obama đã ký lệnh khoan hồng 22 tù nhân, trong đó có một trong những thân chủ của luật sư Byrd. Đó là một người đàn ông đã thụ án 22 năm tù giam vì tội phi bạo lực có liên quan đến ma túy. Luật sư Byrd sướng đến ngây ngất và gọi điện thoại đến nhà tù để báo tin cho anh ta. Nhưng Byrd vẫn còn một câu hỏi: “Thế Sharanda Jones thì sao?”. Cô gọi điện thoại tìm hiểu nhưng không nhận được thông tin gì. Một tuần sau đó, trong bản danh sách mới nhất do văn phòng tổng thống công bố cũng không có tên Sharanda Jones.

Sau một giờ ngồi với nhau trong phòng thăm nuôi, nhân viên nhà giam báo cho hai mẹ con Jones giờ thăm nuôi đã hết. Hai mẹ con ôm ghì lấy nhau. Cô con gái của Jones, tên Garland, đi qua hàng rào dây kẽm gai để đến hành lang phía trước nơi cô nộp thẻ nhận dạng cho nhân viên bảo vệ, một công việc mà cô đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần suốt bao năm qua. Từ nhà tù ở xứ Carswell về đến nhà cô ở Dallas mất 30 phút lái xe, Garland khóc suốt quãng đường đó.

Về phần mình, Jones cũng rời phòng thăm nuôi và bước qua căn phòng bên cạnh nơi một nhân viên đang đợi; một công việc mà chị phải làm mỗi khi có người thân vào thăm. Cô cởi chiếc áo đồng phục nhà tù, chiếc sơmi màu nâu, toàn bộ nội y và đợi nhân viên nhà tù kiểm tra cơ thể để đảm bảo an ninh. Chị tỏ ra dửng dưng, không có một biểu hiện gì của cảm xúc. Suốt 16 năm qua, chị học cách không khóc và đến nay chị đã không còn nước mắt để khóc.

Hồi âm lá thư của Garland, Tổng thống Obama nói rằng Sharanda Jones không thể ngồi chết rũ trong tù. Chị học được bài học từ quá khứ và đáng được nhận cơ hội làm lại cuộc đời. Chẳng lẽ phải tàn đời trong tù?

Chính sách khoan hồng của Obama

Chính sách khoan hồng của Tổng thống Obama có liên quan đến Luật Kết án công bằng do chính ông ký lệnh ban hành vào năm 2010. Mục tiêu của những việc làm trên là nhằm giảm sự bất công giữa các bản án dành cho các tội nhân liên quan tới cocaine. Điều đáng lưu ý chính, chính sách của Obama còn nhắm đến việc giải quyết những tồn đọng về xử án, điển hình như các tội nhân bị kết án theo luật cũ phải chấp hành mức án nặng hơn so với các tội nhân bị tuyên án theo luật mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm