Theo giới chuyên môn, các nhà quan sát và ngay cả bản thân người đứng đầu Quốc Vụ viện Trung Quốc - Thủ tướng Ôn Gia Bảo, thực tế này bắt nguồn từ bất công xã hội, khoảng cách nghèo giàu, tham ô và nhũng lạm quyền thế của cán bộ.
Hàng loạt vụ thảm sát
Tân Hoa Xã cho biết, hồi đầu tháng 8/2010 (ngày 3/8), lại có thêm một vụ tấn công bằng dao vào nhà trẻ ở TP Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, làm cho 3 trẻ em bị chết. Thủ phạm là một thanh niên 26 tuổi, đã bị bắt vài giờ sau đó. Theo thông báo của giới chức địa phương, thanh niên này là một người kinh doanh cá thể, đã nhận tội sát hại trẻ em bằng một con dao dài sáu tấc. Ngoài 3 trẻ em bị chết, còn có 3 em khác và 4 giáo viên bị thương, trong đó, 2 người bị thương nặng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ở Trung Quốc diễn ra các vụ tấn công mang tính thảm sát nhằm vào học sinh. Từ đầu năm 2010 đến nay đã có hàng loạt vụ giết người kiểu này được thực hiện.
Ngày 23/3, Trịnh Dân Sinh, một cựu bác sĩ 42 tuổi đã dùng dao đâm túi bụi vào 13 học sinh, làm 8 em bị chết và 5 em bị thương ở tỉnh Phúc Kiến. Người này hiện thất nghiệp, vô gia cư và không có vợ con. Theo lời thú nhận của Trịnh Dân Sinh, động cơ là do quá chán nản vì không tìm được việc làm, thất tình và bị những người xung quanh chế nhạo. Thủ phạm đã phải lãnh án tử hình vào cuối tháng 4/2010.
Ngày 30/4, một nông dân đã xông vào một trường tiểu học ở TP Duy Phương, tỉnh Sơn Đông và dùng búa tấn công học sinh. Hung thủ gây thương tích cho 5 học sinh trước khi tự sát.
Trên mạng, nhiều blogger nhận định, nguyên nhân sâu xa của các vụ cuồng sát nói trên là do một số người bất mãn, uất hận, nhưng không biết bày tỏ bằng cách nào khác ngoài việc tấn công vào những kẻ yếu ớt nhất, đó là trẻ em. |
Trước đó, hôm 29/4/2010, một người đàn ông đã dùng dao đâm chém bừa bãi ở một trường học trong tỉnh Giang Tô, gây thương tích cho 29 trẻ em từ 4 - 5 tuổi. Hai giáo viên và 1 nhân viên bảo vệ cũng bị thương trong vụ này. Hay như hôm 28/4, một cựu giáo viên thì gây thương tích cho 15 học sinh và 1 giáo viên trong vụ tấn công bằng dao tại một trường tiểu học ở tỉnh Quảng Đông. Chưa hết, vào ngày 12/4, cũng đã xảy ra vụ tấn công ngay sau giờ tan học tại Trường Tiểu học Tây Trấn, huyện Hợp Phố, tỉnh Quảng Tây. Giới chức địa phương dẫn lời cảnh sát cho biết, nghi can khoảng 40 tuổi, bị bệnh tâm thần, đã bị tống giam.
Chính quyền ra tay
Ngay sau các vụ thảm sát nhằm vào học sinh, giới chức Trung Quốc đã phải tăng cường các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trường học.
Người phát ngôn Bộ Công an Ngô Hòa Bình nhấn mạnh, giới hữu trách sẽ có hành động mạnh mẽ đối với những vụ bạo lực như vậy. Ông Ngô Hòa Bình còn nói thêm rằng, những tội ác như vậy phải bị toàn xã hội lên án và xứng đáng bị toàn thể người Trung Quốc tức giận.
Hồi cuối tháng 4/2010, sau vụ tấn công gây thương tích cho các học sinh ở Quảng Đông, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thành lập một ủy ban điều tra về tình trạng bạo lực nhằm vào các trường học.
Chính quyền một số địa phương thì trang bị côn sắt và đinh ba cho nhân viên bảo vệ các trường học để giải quyết nhất thời vấn đề an ninh và làm cho các bậc cha mẹ yên lòng.
Tại Bắc Kinh, khoảng 7.000 cảnh sát đã được tăng cường để tuần tra chung quanh các trường học tại TP. Theo báo chí Trung Quốc, chính quyền TP Trùng Khánh thậm chí còn ra lệnh cho cảnh sát nổ súng vào bất cứ kẻ nào toan tấn công vào học sinh.
Bên cạnh đó, chính quyền nhiều nơi còn đẩy mạnh việc theo dõi những người được biết là mắc bệnh tâm thần.
Nhưng, bất chấp nỗ lực của giới chức và sự cẩn trọng của các bậc phụ huynh, nhiều cuộc tấn công vẫn diễn ra. Chẳng hạn, vào ngày 12/5/2010, một người đàn ông 48 tuổi đã tấn công và giết hại 7 trẻ em, 2 người lớn, ngay vào lúc trường mầm non tư thục ở TP Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, mới bắt đầu giờ học.
Vì đâu nên nỗi?
Lý giải về việc một đất nước trước nay luôn tự hào vì có tỷ lệ bạo lực thấp, nhưng nay lại phải đối phó với hàng loạt cuộc thảm sát mang tính “trả thù xã hội” nhằm và chính cộng đồng mình, GS Quý Kiến Lâm (Ji Jianlin) của Đại học Phục Đán, Thượng Hải cho biết: “Các vụ việc đều có một nét chung. Những kẻ tấn công đều có nỗi bức bối đối với xã hội. Họ đều muốn trả thù bằng cách đả thương những người trẻ và những người dễ tổn thương nhất”. Theo GS Quý Kiến Lâm, xã hội Trung Quốc hiện thiếu cơ chế trợ giúp tâm lý cho những người gặp vấn đề. “Trong quá khứ, công đoàn, hội phụ nữ từng giúp cho công nhân Trung Quốc, nhưng nay, sự giúp đỡ đó quá yếu và không tương xứng”.
Gần như cùng quan điểm, GS Hồ Tinh Đẩu của Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh, nhận định, bạo động phát sinh từ những người dân tuyệt vọng và muốn báo thù. Những vụ tấn công này là một hiện tượng mới, được đặt tên là “báo thù xã hội”. Theo GS Hồ Tinh Đẩu, xã hội Trung Quốc không có những nơi chốn và những kênh thích hợp để cho dân chúng, đặc biệt là những người của các tầng lớp thấp kém trong xã hội, được thảo luận và phát tiết những sự bất mãn của họ trong sinh hoạt hàng ngày.
Ông Hồ Tinh Đẩu nói thêm rằng, những kẻ tấn công biết rõ là họ không thể đụng chạm tới những kẻ có quyền thế, nên họ trả thù bằng cách tấn công những thành phần yếu đuối nhất trong xã hội. Cũng theo ông, những vụ tấn công này là những vụ bắt chước nhau và sẽ gia tăng khi chênh lệnh giàu nghèo tiếp tục nới rộng.
(Ngày 15/5, Từ Ngọc Nguyên, kẻ tiến hành cuộc tấn công hôm 29/4 tại tỉnh Giang Tô khiến 29 em học sinh, 2 giáo viên và 1 nhân viên bảo vệ bị thương, đã bị tòa án tuyên án tử hình với tội danh “giết người” trong một phiên xử ngắn. Từ Ngọc Nguyên vốn là nhân viên của một hãng bảo hiểm địa phương, đã bị sa thải năm 2001, kể từ đó, không có công việc ổn định. Năm 2006, một lần nữa, Từ Ngọc Nguyên bị sa thải khỏi công ty bảo vệ, sau khi dính vào một cuộc ẩu đả. Tân Hoa Xã cho biết, Từ Ngọc Nguyên, 47 tuổi, đã lập gia đình và có 1 con, khai nhận tại tòa rằng, động cơ của bị cáo là nhằm trút sự tức giận đối với xã hội).
Ở một khía cạnh khác, theo ông Trần Thời Vinh (Shirong Chen), biên tập viên phụ trách Trung Quốc của BBC World Service, các vụ việc phản ánh “căng thẳng xã hội do tham nhũng lan tràn và bất bình đẳng gây ra”.
Một nhà tâm lý học, hiện giảng dạy tại Bắc Kinh, được Hãng tin AFP trích dẫn cho rằng, Trung Quốc đã không biết đo lường tác động của thay đổi kinh tế đến sức khoẻ tâm thần của người dân. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các vụ tấn công cho thấy, những thập niên vừa qua, Trung Quốc mới chỉ tập trung nhiều cho sự phát triển kinh tế mà thiếu quan tâm tới những vấn đề có liên quan đến sức khỏe tâm thần vốn đã xuất hiện cùng với sự thay đổi xã hội nhanh chóng của đất nước.
(Theo RFI, trong những năm gần đây, tại Trung Quốc, tình trạng tội phạm đã tăng vọt cùng với những ca rối loạn tâm thần. Tình trạng tội phạm gia tăng xuất phát từ bối cảnh xã hội Trung Quốc không còn bị kiểm soát chặt chẽ như trước đây nữa. Cùng với đà chuyển tiếp từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế tư bản, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng, hệ thống an sinh xã hội thì chưa phát triển. Trong bối cảnh đó, số ca rối loạn tâm thần cũng tăng theo. Kết quả một công trình nghiên cứu vào năm 2009 đăng trên Tạp chí Khoa học The Lancet (Anh quốc) cho thấy, tại Trung Quốc hiện có tới 173 triệu người lớn có các vấn đề tâm thần, từ mức độ nhẹ như suy nhược thần kinh cho đến nặng như tâm thần phân liệt, nhưng 91% trong số này không được chữa trị đến nơi đến chốn).
Ngày 13/5, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV) của Hồng Công, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đã phải thừa nhận: “Xã hội Trung Quốc ẩn chứa những mâu thuẫn sâu sắc đang tăng dần, và là nguồn gốc của loạt thảm sát học sinh”
Còn theo GS Hồ Tinh Đẩu, Chính phủ Trung Quốc phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng và cải thiện quyền dân sự. GS Hồ Tinh Đẩu cho rằng, việc cải cách hệ thống tư pháp và hệ thống chính trị cấp địa phương sẽ tạo ra những kênh để người dân bày tỏ ý kiến và giải quyết các mối quan tâm của họ, thay vì để mặc cho những sự bất mãn đối với tình trạng bất công ngày càng tích lũy nhiều hơn.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu những tồn tại trên không được xử lý tích cực thì không thể nào tiến đến một “xã hội hài hòa” như Bắc Kinh mong muốn, và sẽ còn xảy ra nhiều thảm họa tương tự.
Trọng Thành - Huy Hoàng tổng hợp (báo Thanh Tra)