Rau sống là món ăn được nhiều người lựa chọn, song chúng cũng là thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn E.coli. E.coli là loại vi khuẩn thường sống và sinh sản trong ruột già của cơ thể người và động vật, theo đường tiêu hóa thải ra ngoài. Chúng có khả năng gây bệnh rất đa dạng như gây nhiễm khuẩn đường tiểu; với cơ thể yếu gây nhiễm khuẩn máu; gây viêm màng não ở trẻ sơ sinh; gây tiêu chảy nặng.
Vì sao rau sống dễ bị nhiễm vi khuẩn E.coli?
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên nhân xuất hiện vi khuẩn E.coli trên rau sống là do nhiều nguồn lây nhiễm, như khâu sản xuất (rau thường bị tưới bởi nguồn nước bẩn, bón phân tươi), hay khâu sơ chế (nguồn nước rửa, người sơ chế bị nhiễm), vận chuyển và vị trí kinh doanh không được vệ sinh sạch sẽ, quá trình chế biến…
Đây cũng là những nguyên nhân khiến cho ký sinh trùng sinh sôi và lây lan như các loại giun sán, giun đũa chó mèo, sán lá gan... Khi ấu trùng vào cơ thể phát triển thành con sán. Ăn rau sống còn có nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa khác như tiêu chảy, nhiễm giun hay kiết lỵ.
Cách để sử dụng rau sống an toàn
Tuy vậy, vị chuyên gia cho hay: “Với các loại thịt, khi nấu chín có thể tiêu diệt vi khuẩn E.coli nhưng rau sống thì không thể nấu chín. Song rau sống là loại thực phẩm dinh dưỡng, nên không thể không tiếp tục sử dụng. Vì thế người tiêu dùng trước khi mua cũng như khi sơ chế, chế biến bữa ăn tại nhà cần hiểu rõ các cách lựa chọn cũng như rửa rau sao cho an toàn”. Ông cũng chỉ ra nhiều người tiêu dùng tin rằng ngâm nước muối sẽ rửa sạch và loại bỏ sạch được các loại vi khuẩn, song đây không phải là quan niệm đúng đắn.
Lựa chọn, sơ chế rau sống đúng cách để hạn chế quá trình lây nhiễm E.coli vào cơ thể. Ảnh: Internet
“Ngâm rau trong nước muối loãng không diệt trừ được giun sán như nhiều người vẫn nghĩ, lượng hóa chất bám trên rau cũng không giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, ngâm rau sống quá lâu (trên 10 phút) có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng của nó”. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng thông tin thêm: Để loại bỏ được vi khuẩn có trong rau sống, người tiêu dùng cần nhặt sạch rau, rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.
“Một số loại rau nên chần qua nước sôi, ở nhiệt độ cao, vi khuẩn sẽ chết và không gây hại cho cơ thể. Khi rửa xong, rau sống cần để ráo nước” - ông lưu ý thêm.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cũng chỉ ra các biện pháp tránh ngộ độc khi sử dụng rau ăn sống như sau:
Khi mua sản phẩm tươi sống, người tiêu dùng không nên để các sản phẩm ăn sống với các loại thịt, cá tươi sống cần phải nấu chín lẫn chung với nhau mà phải tách các sản phẩm ăn sống và sản phẩm cần nấu chín. Bởi theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, các thực phẩm tươi sống đều chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, virrus, nếu để chung các sản phẩm sống và các sản phẩm chín thì các mầm bệnh từ thực phẩm sống sẽ nhiễm sang thực phẩm chín.
Bên cạnh đó, khi mua rau nên lựa chọn rau còn tươi, nguyên vẹn, không bị trầy xước, dập nát hay héo úa. Nên chọn các sản phẩm có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh; trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm; sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu uy tín, các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn đã được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận (VietGAP, GlobalG.A.P, HACCP, ISO 22000, logo chuỗi thực phẩm an toàn…).
“Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại rau ăn sống, chúng ta cũng cần phải rửa rau nhiều lần dưới vòi nước máy, sau đó ngâm rau trong nước có pha chút muối ăn hoặc một lượng nhỏ thuốc tím (mua ngoài tiệm thuốc tây) có tác dụng khử trùng một số loại vi sinh vật gây hại còn bám trên bề rau tươi” -Ban Quản lý an toàn thực phẩm nêu rõ.