Vụ cháy quán karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương) làm 33 người tử vong đang khiến dư luận bàng hoàng.
Cách đây một tháng, quán karaoke trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn, khiến ba chiến sỹ cảnh sát PCCC hy sinh trong lúc dập lửa.
Hay như vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) vào năm 2016 cũng cướp đi sinh mạng của 13 người.
Liên tiếp các vụ cháy liên quan đến quán karaoke xảy ra thời gian qua, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản. Vì sao cháy quán karaoke thường dẫn tới mất mát lớn như vậy?
Vụ cháy quán karaoke khiến 33 người tử vong ở Bình Dương. Ảnh: TÂN THƠ |
Theo lực lượng cảnh sát PCCC, phần lớn các cơ sở kinh doanh quán karaoke thường xây kín để tránh tiếng ồn, mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có. Khi xảy ra cháy nổ sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn và chữa cháy.
Ngoài ra, các quán karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao su, phông rèm… Khi có cháy, lửa bốc lớn, cháy lan rất nhanh, tòa nhà nhiều khói độc. Trong trường hợp này, nếu không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói gây tử vong.
Cùng với đó, nhiều cơ sở thay đổi công năng sử dụng của tòa nhà ở thành quán karaoke nhưng lại không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy như không đảm bảo lối thoát nạn, không trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy…
Hiện trường vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội khiến 13 người chết. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Lực lượng công an khuyến cáo, khi xây dựng cơ sở kinh doanh karaoke từ 1.500m3 phải lập hồ sơ thiết kế và gửi cơ quan cảnh sát PCCC để thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa cơ sở vào hoạt động.
Đối với cơ sở kinh doanh karaoke dưới 500m3 phải trang bị phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
Các cơ sở karaoke thuộc dạng công trình tập trung đông người bắt buộc phải bố trí đủ hai lối ra thoát nạn an toàn (buồng thang bộ kín hoặc cầu thang bộ bên ngoài nhà để hở).
Đối với cơ sở karaoke có diện tích sử dụng từ 200m3 hoặc từ 1.000m3 trở lên phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động. Đối với cơ sở karaoke cao từ 3 tầng trở lên hoặc cơ sở karaoke có 1 đến 2 tầng có diện tích từ 3.500m2 phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động.
Các cơ sở kinh doanh cũng cần tổ chức huấn luyện cho những người sống và làm việc trong cơ sở theo phương án đã đề ra, hướng dẫn sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị và kỹ năng thoát nạn khi có cháy.
Cùng đó là niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, trang bị đầy đủ bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn tại nơi quy định; trang bị thang dây thoát nạn, dây hạ chậm tại ban công, lồng hoặc tầng mái của cơ sở; trang bị búa, rìu, phương tiện phá dỡ đặt ở bên trong cơ sở.
Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng. Đường dây dẫn điện phải đi trong ống gen bảo vệ và phải tính toán đủ tiết diện đảm bảo cấp cho các thiết bị tiêu thụ (trong đó phải tính đến cả dự phòng), trước các thiết bị tiêu thụ dòng điện lớn phải có attomat bảo vệ; lắp đặt bổ sung thiết bị ngắt mạch khi có sự cố chập điện (bảo vệ quá tải và chống rò) để đảm bảo ngắt mạch một cách thông minh những nguyên nhân gây cháy do chập điện.
Đặc biệt, không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo che lấp các ban công của cơ sở; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái.
Vật liệu dùng để trang trí, ốp trần, tường cách âm cho các gian phòng đặc biệt là phòng hát karaoke cần trang bị bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, bên trong các vật liệu trang trí này không nên lắp đặt quá nhiều các đèn chiếu sáng trang trí...