Vì sao giá xăng giảm hơn 7.000 đồng, hàng hóa vẫn phớt lờ?

(PLO)- Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, có nhiều lý do khiến giá thực phẩm chưa thể giảm theo giá xăng dầu, trong đó giá đầu vào của hàng hóa là một thách thức lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá xăng dầu đã có 4 đợt giảm liên tiếp với tổng mức giảm hơn 7000 đồng/lít xăng. Thế nhưng đến nay hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng.

Liên quan vấn đề này, chiều ngày 1-8, tại buổi công bố Triển lãm quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam diễn ra từ 11 đến 13-8 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Hội Lương thực Thực phẩm (LTTP) TP.HCM giải thích lí do vì sao xăng dầu đã có bốn đợt điều chỉnh giảm giá nhưng hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đứng im.

Cụ thể, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội LTTP TP.HCM cho biết, thời gian qua giá cả hàng tiêu dùng leo thang do bị ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó có xăng dầu.

Trong dịch bệnh COVID-19, hàng hóa nguyên liệu của nông dân và doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm nông nghiệp không tiêu thụ được, dẫn đến hàng hóa đình đốn, áp lực này kéo dài đến cuối năm 2021. Giá nguyên liệu xuống thấp, tuy nhiên nhà máy không thể mua.

Giá cá ba sa thời điểm này tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Giá cá ba sa thời điểm này tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Tình trạng này ảnh hưởng đến tết nguyên đán 2021 các nhà sản xuất nuôi trồng vẫn chưa quay lại tổ chức hoạt động. Do đó, quý II một số nguyên liệu của ngành LTTP có khan hiếm và giá tăng cao.

"Đơn cử kỳ thời điểm này giá cá ba sa 28.000-30.000 đồng/kg, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Cùng nhiều yếu tố khác như nhân nhân công, bao bì vật tư phụ liệu, mọi chi phí đầu vào đều tăng nên thời gian qua tác động đến giá thành nhiều" - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Hội LTTP có nhiều hội viên tham gia bình ổn thị trường của thành phố nên việc điều chỉnh tăng giá là cả vấn đề. Song song đó, có những sản phẩm không tham gia bình ổn bị sức ép bởi giá nguyên liệu tăng, chi phí đầu vào tăng nhưng DN LTTP đã rất “chịu đựng”.

Ngành logistics chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi xăng dầu, việc giá xăng dầu giảm sẽ tác động tích cực. Trong khi đó, chi phí DN sản xuất LTTP không ảnh hưởng nhiều bởi xăng dầu mà phụ thuộc vào giá nguyên liệu, tiền lương, giá bao bì, vật tư, các chi phí điện, nước…gần như các yếu tố này chưa có dấu hiệu giảm.

Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng trong lĩnh vực LTTP có hai nguồn từ “made in Viet Nam” và hàng nhập khẩu.

Thời gian qua một số quốc gia như Malaysia ngưng xuất khẩu thịt gà sang Singapore, một số quốc gia khác trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh vấn đề tổ chức quy mô nuôi trồng sản xuất LTTP có nhiều biến động.

Những mặt hàng có vòng đời ngắn có thể tính toán điều chỉnh giảm giá ngay được.

Những mặt hàng có vòng đời ngắn có thể tính toán điều chỉnh giảm giá ngay được.

Việt Nam cũng có nhập thịt gia súc, gia cầm…Đối với hàng nhập khẩu DN bị ảnh hưởng lớn bởi không chỉ giá nhập khẩu tăng mà chi phí vận chuyển logistics quốc tế tăng tối thiểu 5-15 lần tùy vùng. Qua đó, cho thấy câu chuyện khó khăn của LTTP toàn cầu.

Tại Việt Nam sau dịch COVID-19 trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã khôi phục lại nhưng việc tổ chức hoạt động chưa trở lại trước đây.

Đâu đó, vẫn còn một số mặt hàng trong một số lĩnh vực để sản xuất LTTP còn thiếu, chưa kịp thời. Do đó, liên quan đến giá thành DN LTTP phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Dũng, đối với DN sản xuất để phục vụ thị trường trong nước vấn đề này không lớn. Tuy nhiên, để không đứt gãy chuỗi cung ứng khi xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, đặc biệt những thị trường Việt Nam kí các hiệp định thương mại tự do như EVFTA thì hiện nay DN muốn xuất khẩu vào các thị trường này cần cao nâng năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh.

“Với công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý giá, điều hành giá, chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm vấn đề tăng giá hàng hóa có thể kiểm soát được.

DN phấn khởi với chủ trương chung và thời gian tới khi chi phí đầu vào của những nguyên liệu khác hạ nhiệt, sẽ giảm áp lực giá thành hàng hóa, giảm bớt sức ép chi tiêu cho NTD.

Theo đó, một số mặt hàng với vòng đời ngắn như con giống vật nuôi, rau, thủy hải sản, thịt gà, heo… có thể tính toán để điều chỉnh giảm được ngay”- ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm