Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 10-6, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần phải sửa ngay những lỗ hổng trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế để hạn chế các sai phạm xảy ra trong thời gian qua, đồng thời góp phần giải toả trình trạng “đóng băng” các gói thầu y tế khiến nhiều bệnh viện công thiếu thuốc men, thiết bị như hiện nay…
.Vừa qua tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ĐB đã lên tiếng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng tại các bệnh việc công. Nhiều loại thuốc người bệnh phải ra ngoài mua với giá cao. Là người nhiều năm gắn bó với ngành y, ông thấy sao về hiện tượng này?
+ ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Các bệnh viện công thiếu thuốc men, sinh phẩm, vật tư y tế tiêu hao, máy móc thiết bị là sự thật. Nguyên nhân chính do việc đấu thầu mua sắm đang bị ách tắc. Đây là điều đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng.
.Thưa ông, vì sao các gói thầu mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế bị ách tắc? Có phải do thời gian qua nhiều cán bộ trong ngành bị bắt cho nên nhiều đơn vị y tế sợ, không mua sắm gì nữa?
+ ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Có ý kiến dư luận bên ngoài nói rằng bác sĩ sợ, không làm nữa, tôi cho rằng ý kiến đó một phần đúng. Ở đây không phải nghĩa là run sợ, bạc nhược, mà người thầy thuốc ở vị trí quản lý người ta nhận ra rằng còn rất nhiều điểm trong hành lang pháp lý có thiếu sót, không đảm bảo an toàn khi triển khai.
Tôi lấy ví dụ một quy trình mua sắm chưa hoàn chỉnh nên đã dẫn đến nhiều sai phạm. Sai phạm này có hai loại. Một là vô tình người ta không biết, nhưng do nhiệt tình công việc, nhất là trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách. Còn loại thứ hai là có những người họ lợi dụng quy định còn nhiều sơ hở nên tìm cách ăn, tăng giá, xà xẻo… Đây là những người xấu, họ đã và đang bị lôi ra ánh sáng, bị xử lý theo pháp luật.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) |
Nguyên nhân khác là hệ thống đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư y tế đang bị nghẽn, thậm chí sụp đổ. Tôi lấy ví dụ như khâu thẩm định là một khâu quan trọng trong quy trình mua sắm đang có điểm nghẽn. Trong các vụ án vừa rồi, rất nhiều đơn vị thẩm định bị bắt vì làm sai, bây giờ họ nghỉ hết. Các gói thầu xét thầu xong đưa lên cơ quan thẩm định giá nhưng người ta nghỉ, đóng băng hết. Đây là một thực trạng mà khi tôi đi giám sát thấy các tỉnh thành họ phản ánh.
Tóm lại về quy định xét thầu vẫn còn thiều lỗ hổng, chưa ổn. Nhóm thẩm định, các đơn vị họ không làm nữa. Cuối cùng Bộ Y tế, cơ quan cuối cùng phê duyệt gần như bị đóng băng sau một loạt vụ việc gần đây.
. Vậy theo ông cần phải khắc phục các lỗ hổng trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế như thế nào, đặc biệt là khi Quốc hội đang xem xét Luật khám chữa bệnh (sửa đổi)?
+ Trong bản dự thảo Luật Khám chữa bệnh mà tôi biết thì có nhiều nội dung được sửa đổi nhưng chưa đáp ứng được. Trên thực tế đã tiếp tục nảy sinh thêm các vấn đề mới rồi.
Hơn nữa công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế còn liên quan đến nhiều luật khác các luật này cũng cần phải sửa đổi bổ sung. Tôi lấy ví dụ như Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, cần phải nâng cấp lên một tầm mới, vì hai năm qua trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nó đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được tình hình mới.
Bên cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật liên quan khác như Luật bảo hiểm, Luật giá, Luật quản lý sử dụng tài sản công… Tất cả những luật này cần phải được sửa. Nếu không sửa thì vẫn còn kẽ hở. Cho nên đây là con đường rất dài.
Xin cảm ơn ông!