Các nhà nghiên cứu tại ĐH Brown (Mỹ) đã tìm hiểu lý do. Kết quả được công bố trên tạp chí Current Biology.
Các nhà nghiên cứu thực hiện ba thử nghiệm trên 35 người trẻ, khỏe mạnh và đo hoạt động của não họ trong hai đêm ngủ liên tiếp ở một nơi lạ. Kết quả, một phần trái của bộ não hoạt động tích cực hơn trong đêm ngủ đầu tiên so với đêm ngủ thứ hai. Giải thích điều này, chủ nhiệm nghiên cứu Yuka Sasaki cho rằng khi ngủ đêm đầu tiên ở một nơi lạ, một phần của bộ não sẽ ở trong trạng thái thức với mục đích cảnh giác, canh để người ngủ có thể thức giấc nhanh và dễ dàng khi cần thiết hay gặp nguy hiểm.
Để tìm hiểu nguyên nhân, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số xét nghiệm. Họ kích thích bán cầu não trái bằng những tiếng kêu bíp bíp vào tai phải của người ngủ đêm đầu tiên thì nhận thấy họ nhanh thức dậy hơn khi kích thích bán cầu não phải bằng tiếng bíp bíp vào tai trái. Khác biệt này không xảy ra trong đêm ngủ thứ hai. Kết luận này chỉ đúng với người có thói quen ngủ bình thường, không mắc chứng mất ngủ hay bị các rối loạn giấc ngủ khác.
Tình trạng cảnh giác của não trong giấc ngủ còn xảy ra ở động vật. Một số loài chim và một số loài động vật biển có vú còn có thói quen ngủ bằng một mắt.