Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày một nặng nề hơn khi Bình Nhưỡng chuẩn bị thử hạt nhân lần ba.
60 năm trước, cuộc chiến Liên Triều chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, chứ không phải là hiệp ước hòa bình nên về mặt kỹ thuật thì hai miền vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Để tránh sự quan sát của vệ tinh quan trắc nước ngoài, quân đội Triều Tiên được cho là đã ngụy trang một đường hầm ở lối vào tại bãi thử hạt nhân. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nói rằng đây là một bước đi mà các quan chức tình báo cho rằng vụ thử hạt nhân sắp diễn ra.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc còn nói rằng từ các vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009, có thể phỏng đoán vụ thử lần này còn nguy hiểm hơn thế: Nó cho thấy Triều Tiên 'đang trong các giai đoạn cuối' để sản xuất vũ khí, trong khi các lần thử trước phản ánh công nghệ đã cũ kỹ, lỗi thời.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã trừng phạt Triều Tiên vì họ đã phóng tên lửa tầm xa vào tháng 12 vừa qua. Đây là hành động mà HĐBA cho rằng vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Do đó, một lần nữa Bình Nhưỡng lại 'nổi giận' và phát đi các thông điệp đầy sự đe dọa trên kênh truyền hình và hãng thông tấn trung ương.
Tuy nhiên, không có gì đáng lo ngại khi mà hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng khoảng cách tới một cuộc chiến với Triều Tiên cũng gần như từ Trái đất tới... Mặt trăng - bất chấp các đe dọa bên miệng hố chiến tranh có đáng sợ tới đâu.
Nếu đọc kỹ, điều mà mọi người dễ nhìn thấy nhất từ các lời đe dọa này đó là một chế độ đang theo đuổi chính sách đã được lên kế hoạch cẩn thận.
Một nghiên cứu sinh tại Đại học Leed ở Anh là Aidan Fosster-Carter nói rằng: "Tôi đọc loạt yêu cầu đối thoại gần đây nhất. Vì nhiều lý do mà Triều Tiên không cảm thấy yên tâm nếu như họ không có hạt nhân để tự vệ. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ này hoàn toàn là giả tạo. Điều này chỉ cho thấy rằng họ muốn mình bình đẳng' với thế giới.
Còn về những lời lẽ ám chỉ chiến tranh? Hãng thông tấn KCNA đã sử dụng cụm từ ưa thích của họ là 'biển lửa' ít nhất 18 lần bằng tiếng Anh từ những năm 90 đến đến năm 2005.
"Seoul và các vùng phía bắc sẽ biến thành biển lửa chỉ trong vài ngày" - KCNA từng đưa tin năm 2003 để đáp trả sự hiện diện của quân đội Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.
Năm đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đặt Triều Tiên vào cái gọi là "Trục ma quỷ".
Cụm từ "đế quốc gây hấn" đã Bình Nhưỡng được sử dụng 355 lần cũng trong giai đoạn 9 năm đó.
Đảng Lao động Triều Tiên cũng gọi các biệt hiệu riêng ám chỉ hai 'kẻ thù' mà họ căm ghét nhất là Mỹ và Nhật. Còn Hàn Quốc bị gọi là 'kẻ phản bội'.
Sau khi Kim Jong Un lên làm lãnh đạo đất nước, nhiều nhà quan sát cho rằng đây có thể là nhân vật cải cách nhờ thời gian du học ở nước ngoài. Nhưng thực tế chính sách bên miệng hố chiến tranh hiện nay có gì khác trước không?
"Những gì mà chúng ta được nghe thấy kể từ khi Kim Jong Un nhậm chức, đó là công khai đe dọa chống lại 'loài chuột' (tức Tổng thống Hàn Quốc) Lee Myung Bak là giọng điệu khiêu chiến nhất từ trước tới giờ mà tôi từng nghe thấy khi nghiên cứu về tuyên truyền tại Triều Tiên suốt 20 năm qua" - ông Myers, tác giả của cuốn sách "Cuộc đua sạch sẽ nhất: Người Triều Tiên nhìn nhận về bản thân mình như thế nào và tại sao điều đó quan trọng".
Myers đã liên hệ tới ngôn ngữ được sử dụng hồi tháng Tư năm ngoái, vào cùng khoảng thời gian Triều Tiên đã cố gắng phóng tên lửa và thất bại.
Nhà phân tích người Anh Foster-Carter đã gọi các lời công kích cá nhân là 'kỳ cục và thô thiển'. Ông Foster còn nói rằng Bình Nhưỡng thậm chí còn bán các trò chơi điện tử bạo lực nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc. Chẳng hạn, người chơi có thể treo cổ ứng viên Tổng thống Hàn Quốc. Foster nói rằng đây là một trong những di sản kỳ lạ mà kỷ nguyên Kim Jong Un để lại.
"Tôi thấy một sự tiếp diễn hơn là sự thay đổi" - Foster nói thêm. Foster nói rằng kỷ nguyên Kim Jong Un là sự khuếch trương hơn nữa của thời Kim Jong Il, nhưng với các đặc tính mới sau khi con trai ông lên nắm quyền.
Theo Lê Thu (VNN / Global Post)