Ấn Độ đã thử thành công thiết bị bay hành trình siêu vượt âm nội địa đầu tiên của nước này, báo The Times of India đưa tin.
Trang Twitter của Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo trong ngày 7-9 Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO - thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ) đã phóng thử thiết bị biểu diễn công nghệ siêu vượt âm (HSTDV) do cơ quan này phát triển.
Khoảng 11 giờ trưa, HSTDV được phóng đi từ khu phức hợp phóng tên lửa Abdul Kalam trên đảo Wheeler, ngoài khơi bang Odisha (đông Ấn Độ). Vụ thử diễn ra thành công.
HSTDV sử dụng động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm (scramjet) - loại thiết bị đặc biệt có thể đạt đến vận tốc vượt siêu âm nhưng chỉ có thể kích hoạt khi được đặt trong một "thiết bị phóng" đang bay ở vật tốc siêu âm.
Trong vụ thử ngày 7-9, sau khi tách ra khỏi "thiết bị phóng" ở độ cao 30 km, HSTDV tiếp tục hành trình độc lập và đã đạt tới tốc độ gấp sáu lần vận tốc âm thanh (Mach 6) trong thời gian hơn 20 giây.
Chủ tịch DRDO Satheesh Reddy gọi vụ thử thành công là "một bước đột phá công nghệ quan trọng". Ông cho biết động cơ scramjet đã "đáp ứng được tất cả thông số kỹ thuật" và đây sẽ là cơ sở để New Delhi tiếp tục phát triển "nhiều hơn nữa các công nghệ mang tính quyết định, các vật liệu và phương tiện bay vượt siêu âm".
Viết trên Twitter, Thủ tướng Narendra Modi chúc mừng DRDO. Ông Modi nhấn mạnh rằng "rất ít quốc gia có được năng lực" phát triển động cơ scramjet đạt đến tốc độ Mach 6.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng gọi đây là một "thành tựu mang tính bước ngoặt" và cho rằng "Ấn Độ tự hào" về đội ngũ chuyên gia tại DRDO.
Thiết bị biểu diễn công nghệ siêu vượt âm (HSTDV) được phóng đi hôm 7-9. Ảnh: THE TIMES OF INDIA/ANI
Bà Rajeshwari Rajagopalan - chuyên gia công nghệ hạt nhân và không gian thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (OSF - có trụ sở tại New Delhi) - cho rằng vụ thử thành công này giúp Ấn Độ ghi tên mình vào "câu lạc bộ tinh hoa". Chuyên gia này ám chỉ nhóm ba nước Mỹ, Nga và Trung Quốc - những cường quốc quân sự đã tự phát triển thành công ít nhất một tên lửa vượt siêu âm.
Tuy nhiên, bà Rajagopalan lưu ý rằng công nghệ của bộ ba "tinh hoa" tốt hơn công nghệ hiện có của DRDO, do đó "Ấn Độ sẽ phải hoàn thiện công nghệ với nhiều hơn nữa các hoạt động thử nghiệm".
Trong giai đoạn tiếp theo, Ấn Độ sẽ tự phát triển tên lửa hành trình tầm xa có tốc độ siêu vượt âm. DRDO cho rằng New Delhi sẽ có được loại vũ khí như vậy trong năm đến sáu năm nữa, theo The Times of India.
Trong khi đó, "thiết bị phóng" dùng cho HSTDV cũng có thể được áp dụng trong các hoạt động phi quân sự như phóng vệ tinh nhỏ, chi phí thấp.
Hiện tại, BrahMos là tên lửa có tốc độ hành trình cao nhất mà quân đội Ấn Độ đã chính thức đưa vào biên chế. Đây là một sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa nước này và Nga.
Tên lửa hành trình BrahMos có thể đạt vận tốc Mach 2,8-Mach 3 (ở mức siêu âm), sử dụng động cơ ramjet. Khác với scramjet, động cơ ramjet chỉ có thể đạt đến tốc độ siêu âm, song có thể được kích hoạt khi "thiết bị phóng" chỉ cần đạt đến tốc độ cận âm.