Tổng thống Donald Trump quyết tâm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phát triển vũ khí siêu vượt âm, hãng tin Sputnik cho hay.
Ngày 24-6, Nhà Trắng cho biết ông Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất quốc phòng năm 1950 để điều chuyển một số bộ phận dân sự thuộc các tập đoàn công nghiệp quốc phòng sang sản xuất các bộ phận vũ khí siêu vượt âm.
"Tôi quyết định năng lực sản xuất công nghiệp các vật liệu chịu nhiệt cao và siêu cao dùng cho tên lửa chiến lược vượt siêu thanh là thiết yếu đối với việc phòng thủ quốc gia" - thông cáo Nhà Trắng dẫn lời ông Trump.
Vụ thử tên lửa có tốc độ Mach 5 của Mỹ ngày 19-3 tại Hawaii. Ảnh: AFP/US NAVY
Tổng thống Trump cho rằng nếu ông không viện dẫn Đạo luật Sản xuất quốc phòng để đưa ra những chỉ thị trực tiếp, nền công nghiệp quốc phòng Mỹ không thể phát triển "đầy đủ và kịp thời" các vật liệu trên.
Ông Trump còn cho rằng việc mua sắm trang bị và các hành động khác theo điều luật được viện dẫn là "phương pháp thay thế hiệu quả nhất về mặt chi phí, thiết thực và thực tế nhất đáp ứng nhu cầu cấp bách" về phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Trong chỉ thị trên, Tổng thống Mỹ cũng coi việc hỗ trợ phát triển các hệ thống phóng tên lửa không gian là một yêu cầu "thiết yếu" của nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Mỹ đang chậm chân hơn so với Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển những vũ khí siêu vượt âm. Các loại vũ khí này có tốc độ từ Mach 5 trở lên, tức là có khả năng di chuyển nhanh gấp ít nhất năm lần tốc độ âm thanh.
Năm 2019, Nga đã triển khai ít nhất hai loại vũ khí siêu vượt âm là thiết bị lướt Avangard có tốc độ lên tới Mach 20 và hệ thống Kinzhal sử dụng tên lửa có tốc độ Mach 10, theo đài NBC News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi buổi thử nghiệm thiết bị lướt Avangard năm 2018. Ảnh: TASS
Trung Quốc đã cho tên lửa Đông Phong 17 (DF-17 - có tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10) diễu hành trong lễ kỷ niệm ngày quốc khánh nước này năm 2019. Bắc Kinh cũng đang thử nghiệm một tên lửa hành trình siêu vượt âm tên Tinh Không 2 (XK-2) có tốc độ Mach 6, theo chuyên san Science của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS).
Trong khi đó, dù là nước đầu tiên thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm từ năm 1949, Mỹ vẫn chưa đưa vào sử dụng tên lửa nào có năng lực tương đương các vũ khí tiên tiến kể trên của Nga và Trung Quốc.
Lầu Năm Góc tuyên bố thử thành công một tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 5 vào ngày 19-3, đánh dấu bước tiến mới trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm của nước này.
Quốc hội Mỹ cũng quan tâm tới chương trình vũ khí siêu vượt âm và đã đồng ý chi hơn 1 tỉ USD cho chương trình này trong năm 2020.