Lúc 12 giờ trưa nay (28-7), Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi thông báo khẩn cấp về tình hình mưa bão tại hầu hết các tỉnh Bắc Bộ.
Cụ thể, tại các tỉnh ven biển từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13. Trong khi đó tại một số tỉnh ven biển Bắc Bộ khác có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Riêng tại Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Trong 12-18 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 50-150 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 160 mm, Ninh Bình 210 mm, Thái Bình 200 mm...
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương khuyến cáo người dân không ra đường vào thời điểm mưa lũ. Ảnh: VINH NGUYỄN
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Trong 2-3 ngày tới gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trở lại gây thời tiết xấu ở khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau mưa vừa, có nơi mưa to ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ.
Ngoài ra hiện nay ở khu vực phía đông Philippines tồn tại một vùng áp thấp đang mạnh lên và có khả năng di chuyển vào biển. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo đây là tin cuối cùng về cơn bão số 1 này.
Tại Thanh Hóa: Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa trưa nay cho biết lực lượng chức năng đã cứu được bảy lao động trên hai tàu, đồng thời lai dắt tàu TH 90817 TS vào cảng Nghi Sơn an toàn. Trước đó hai tàu cá mang số hiệu TH 90298 TS và TH 90817 TS khi đang di chuyển tránh trú bão tại đảo Hòn Mê thì tàu TH 90298TS bị hỏng máy bơm nước khiến tàu bị chìm.
Tại thời điểm xảy ra sự cố trên tàu có sáu người, lực lượng chức năng đã cứu được năm người, còn một người vẫn đang mất tích.
Tại Nam Định: Diện tích lúa bị ngập úng chiếm 95%, với 74.000 ha, trong khi đó tại Ninh Bình là 36.000 ha lúa mới cấy. Riêng Thái Bình vẫn chưa có số liệu cụ thể.
Cả ba địa phương là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đang mất điện do số lượng cột điện trung thế đổ rất nhiều, một số trạm điện trung thế gặp sự cố về lưới điện. Hiện Tập đoàn Điện lực đã nỗ lực khắc phục sự cố trên.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp khẩn. Ảnh: HỮU VINH
Trong một diễn biến khác vào sáng 28-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn để khắc phục sự cố do bão số 1 gây ra.
Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN&PTNT, yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa do hoàn lưu bão gây ra, khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão để có biện pháp hỗ trợ.
Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải sớm khắc phục sự cố; đồng thời yêu cầu Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt cử đoàn đi kiểm tra và thống kê thiệt hại sau bão tại các địa phương.
Đến trưa nay, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã di dời 32.436 người ở khu vực xung yếu, nguy cơ cao khi bão đổ bộ và thực hiện lệnh cấm biển. Đến nay đã có 32.150 phương tiện với 125.817 người đã di chuyển của bão số 1 để chủ động trú tránh an toàn.
PLO tiếp tục cập nhật