Đây là nhận định của Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt, Phó trưởng Công an quận 1, tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dịch vụ karaoke hoạt động lành mạnh, an toàn” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vào sáng 7-4.
Cơ quan quản lý cũng gặp khó
Theo ông Nhứt, lý do hiện nay các quy chuẩn đối với các cơ sở karaoke thay đổi liên tục, bắt nguồn từ thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chưa kể, một số cơ sở thiếu ý thức, kinh doanh nhiều loại hình cấm, khi có sự cố xảy ra thì thiệt hại rất nghiêm trọng.
Tuy vậy, ông Nhứt cũng nhìn nhận với quy định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC), các doanh nghiệp karaoke sẽ khó đáp ứng hết các quy chuẩn. Theo đó, tại các cơ sở karaoke, nhiều hạng mục đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động nhưng khi có quy định mới thì phải nghiệm thu lại.
Ông Nguyễn Văn Nhứt phát biểu tại tọa đàm. ẢNH: VIỆT DŨNG |
Chính vì thế, với đặc thù của TP.HCM, ông cho rằng nên nghiên cứu, đề xuất các phương án tháo gỡ, nhất là khi TP.HCM đang đề xuất có những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Những tiêu chuẩn quá khó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người lao động. Từ những khó khăn đó dẫn đến doanh nghiệp có nhiều bức xúc, có doanh nghiệp lén lút hoạt động” - Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt thông tin.
Ông Lữ Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Văn hóa- thông tin (VH-TT) quận 10 cũng chỉ ra thực trạng, dù đã phối hợp với lực lượng PCCC tuyên truyền, hỗ trợ các chủ cơ sở karaoke đảm bảo quy định PCCC, và dán thông báo trước các cơ sở không đủ điều kiện và yêu cầu tạm ngưng hoạt động, tuy nhiên một số cơ sở vẫn lén lút, hoạt động trá hình và đã bị xử phạt.
Cần đồng hành cùng doanh nghiệp
Ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn quận, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó trưởng phòng VH-TT quận Gò Vấp, kiến nghị cơ quan chức năng nên có lộ trình, thời gian để các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có thời gian khắc phục những tồn tại về PCCC.
Theo đó, ông kiến nghị cần cân nhắc trong vấn đề thẩm định PCCC ở những cơ sở karaoke trước đây đã được cấp phép hoạt động và chứng nhận về PCCC ở các quy định 47 và 147.
"Với các đơn vị này khi áp dụng quy định mới về PCCC chỉ nên kiểm tra và yêu cầu khắc phục một số hạng mục. Điều này tránh cho doanh nghiệp cảm giác quy định chồng quy định. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp đang gặp khó ở góc độ công năng của tòa nhà khi chuyển đổi từ loại hình nhà ở sang kinh doanh karaoke, cơ quan chức năng cũng cần có hướng dẫn và cân nhắc thực hiện sao cho phù hợp với đặc thù của TP"- ông Thanh kiến nghị.
Ông Thanh cũng cho rằng dịch vụ karaoke vốn nhiều đóng góp vào nguồn ngân sách của địa phương lại vừa đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó trưởng phòng VH-TT quận Bình Thạnh, cũng kiến nghị trong quá trình yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục theo quy định chung, có nội dung nào không phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước của TPHCM mạnh dạn tháo gỡ.
Song song đó, cần tập hợp lại các khó khăn thực sự của doanh nghiệp để đề xuất với các cơ quan chức năng điều chỉnh phù hợp hơn.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp karaoke trong vấn đề cấp phép, quản lý, bà Trần Thị Thanh Lý, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT TPHCM), cho biết, trong thẩm quyền, thời gian tới, Sở VH-TT sẽ nghiên cứu để phân cấp, phân quyền quản lý, cấp phép về cho các quận huyện, TP Thủ Đức để phát huy vai trò của địa phương trong quản lý tốt hơn.
PC07 lập tổ đặc biệt gỡ khó cho cơ sở karaoke
Lắng nghe những đóng góp ý kiến từ doanh nghiệp và cơ quan các quận huyện, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, nhìn nhận đặc thù loại hình này có chứa nhiều chất cháy, truyền nhiệt nên dễ phát sinh nguy cơ cháy nổ. Cho nên, pháp luật có quy định đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, yêu cầu về PCCC rất cao, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn PCCC mới được hoạt động.
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, hiện trên địa bàn TP vẫn có 53 cơ sở kinh doanh karaoke đủ điều kiện an toàn hoạt động, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ và ở ngoại thành.
Với những cơ sở đã sửa chữa PCCC nhưng chưa được hoạt động trở lại là do chưa tuân thủ quy định về thẩm duyệt thiết kế. Cũng có trường hợp có làm hồ sơ nhưng thiết kế không đạt yêu cầu.
"Đó là thực trạng trong thời gian qua ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ngoài ra, do yêu cầu quy chuẩn cao nên thực hiện theo quy định hiện nay rất khó. Chưa kể về mặt cơ chế quy định, khi thay đổi cải tạo phải thiết kế thẩm định lại, công trình đã hoạt động nhưng có thay đổi nhỏ cũng vẫn phải nghiệm thu lại, rất mất thời gian"- ông Tâm nói.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm cũng khẳng định, cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp karaoke. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho loại hình kinh doanh này, như tổ chức tọa đàm lắng nghe doanh nghiệp nói.
Ông Tâm cho biết, Giám đốc Công an TP.HCM cũng đã chỉ đạo thành lập các tổ gồm chỉ huy công an quận, huyện xuống trực tiếp từng cơ sở để phân loại, hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở karaoke để thực hiện theo quy định.
"Trước mắt PC07 thành lập tổ đặc biệt, sẽ mời các cơ sở karaoke thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC để hướng dẫn chi tiết và cụ thể"- ông Tâm nhấn mạnh
Đối với những khó khăn vướng về tiêu chuẩn quy định, Công an TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị C07 Bộ Công an áp dụng việc thẩm duyệt lại các cơ sở, với tiêu chí cơ sở đưa vào hoạt động ở thời điểm nào thì áp dụng quy định ở thời điểm đó. Đối với cơ sở thay đổi nhỏ, đã được thiết kế nghiệm thu rồi thì không phải thẩm duyệt lại.
"Chúng tôi cũng đang tổng hợp hết các khó khăn vướng mắc để Công an TP.HCM tham mưu Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các bộ ngành chức năng tìm hướng tháo gỡ", ông Tâm cho biết.
Quy định PCCC mới quá ngặt nghèo, quá khó để thực hiện
Ông Huỳnh Văn Cường, chủ hệ thống karaoke Star, cho biết, những quy định mới của PCCC quá khắt khe và khó áp dụng vào thực tế, thậm chí cao hơn so với các nước trên thế giới. Bằng chứng là từ Bắc tới Nam, hàng trăm doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không đáp ứng nổi.
Chưa kể các doanh nghiệp karaoke đang gặp quy định chồng quy định, những hướng dẫn khắc phục các hạng mục của PCCC cũng không được hướng dẫn đồng bộ một lần từ phường tới quận.