Viện trưởng Lê Minh Trí: Kiểm soát chặt để tránh lạm dụng trả hồ sơ điều tra bổ sung

(PLO)- Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng không nên coi việc trả hồ sơ điều tra bổ sung như một hạn chế nhưng cũng phải đảm bảo việc áp dụng thực hiện ở một tỷ lệ, mức độ phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 20-3, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với phần chất vất đối với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chất vấn việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền cần phải đảm bảo căn cứ theo quy định pháp luật nhưng trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy, Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá việc áp dụng các biện pháp này thời gian qua như thế nào.

Trả lời, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền...

Viện trưởng Trí cũng cho biết đối với các trường hợp thực hiện bảo lãnh nhưng sau đó đối tượng được bảo lãnh bỏ trốn hoặc phạm tội khác thì cần làm rõ quy trình xem xét, quyết định, thực hiện có đúng quy định của pháp luật hay không. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng đặt câu hỏi trong vụ án hình sự, kiểm sát viên kiểm sát ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự xuyên suốt giai đoạn điều tra và trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, điều này không thể không nhắc tới trách nhiệm của kiểm sát viên trong quá trình điều tra. Viện trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Trả lời, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết đây là một chế định tố tụng được quy định trong bộ luật Tố tụng Hình sự và bản thân chế định này không có yếu tố tích cực hay hạn chế mà là biện pháp đảm bảo không để oan sai và bỏ lọt tội phạm. Trả hồ sơ điều tra bổ sung là biện pháp kỹ thuật để đảm bảo công tác điều tra được diễn ra kỹ càng, toàn diện, đúng người, đúng tội.

“Thời gian qua, ngành kiểm sát đưa ra tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan là không quá 5% và giao cho đơn vị theo dõi định kỳ. Đối với các vụ án lớn, Trung ương theo dõi, được đưa ra truy tố xét xử trong thời gian vừa qua đều trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có nội dung phức tạp cần phải làm rõ”- ông Trí thông tin.

Đánh giá về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, không nên coi việc này như một hạn chế nhưng cũng phải đảm bảo việc áp dụng thực hiện ở một tỷ lệ, mức độ phù hợp. Cạnh đó cũng cần có kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện này để đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm dụng.

Trả lời về nhóm vấn đề liên quan đến kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, ông Trí cho biết án hành chính có những trở ngại khó khăn kể cả khách quan lẫn chủ quan. Việc giải quyết án hành chính có những trở ngại, khó khăn như thế thì khi thi hành án cũng khó khăn.

"Nhận thức được những khó khăn đó nên thời gian qua, chúng tôi đã yêu cầu VKS các cấp tập trung kiểm soát chặt chẽ việc xác minh phân loại điều kiện thi hành án, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế và việc xét miễn giảm thi hành án, nâng cao chất lượng kiểm sát trực tiếp và quan tâm kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị đã ban hành" - ông Trí nói.

Cạnh đó, tập trung giải pháp góp phần nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát kiểm sát thi hành án dân sự, phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự các cấp để chủ động tích cực và rà soát những bản án quyết định tòa án tuyên không rõ, khó thi hành.

Cũng theo Viện trưởng VKSND Tối cao, để đảm bảo công bằng thì Chủ tịch UBND các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo công bằng. Thực tế cho thấy các vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến đất đai. Sắp tới, khi sửa đổi Luật Đất đai sẽ hạn chế những bất cập thì sẽ giúp giảm thiểu các tồn tại, hạn chế hiện có.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm