Ngày 22-11, bên hành lang Quốc hội, ông Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng VKSND TP.HCM, đã trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về vụ án “Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp”.
Viện trưởng Dương Ngọc Hải cho biết: “Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh hôm 21-11, tôi đã gọi điện thoại về chỉ đạo viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh và trưởng phòng Nghiệp vụ VKSND TP (nơi theo dõi loại án này) phối hợp để kiểm tra, xem xét lại vụ án. Tôi yêu cầu kiểm tra xem tiến trình tố tụng giải quyết tới đâu, hồ sơ đang ở cơ quan nào… Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, VKSND huyện Bình Chánh phải kiểm tra và giải quyết dứt điểm vụ án này, nếu hồ sơ đang ở VKS thì VKS phải kiểm tra và xử lý ngay; trên cơ sở xử lý đó, báo cáo về VKSND TP.HCM”.
Ông Hải nói vụ án này xảy ra đã lâu, dư luận báo chí đã phản ánh nhiều. VKSND TP cũng đã từng đề nghị hủy án ở giai đoạn phúc thẩm. Một trong những lý do hủy là chứng cứ buộc tội chưa được chứng minh rõ. Quá trình điều tra không làm rõ thêm được vấn đề gì thì giải quyết theo pháp luật. Nếu không có tội thì phải đình chỉ không tội; nếu hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội thì sẽ đình chỉ theo lý do này.
Viện trưởng VKSND TP.HCM Dương Ngọc Hải (trái) trong buổi thảo luận tổ ở Quốc hội. Ảnh: TN
“Quan điểm của tôi là nếu không đủ chứng cứ kết tội thì phải đình chỉ và thừa nhận đã truy tố oan đối với ba anh Khưu Khánh Sỹ, Ong Văn Sệt và Trần Văn Uống; không chấp nhận kiểu đình chỉ để né trách nhiệm làm oan. Vụ việc này tôi chỉ đạo phải khẩn trương giải quyết nhanh” - ông Hải nói.
Đây là vụ án có dấu hiệu oan mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phân tích, phản ánh. Đêm 5-12-2012, Uống và Sỹ nhậu xong thì ra đường hóng mát và đi tè. Lúc này anh Phan Thanh Quyền chạy xe đến, nhác thấy bóng người bèn quay đầu xe chạy đi báo công an: “Tôi đoán là cướp” rồi dẫn đoàn người đi bắt, sau đó viết tường trình về “vụ cướp”.
Khi ra tòa, Uống và Sỹ dù được cách ly nhưng vẫn khai thống nhất rằng đêm đó thấy đám đông lao đến hô to “bắt nó”, tưởng là có vụ cướp nào đó nên cả hai chạy né đi. Cả hai đều trình bày đã bị đánh đập và khẳng định không liên quan, không biết gì về vụ cướp mà anh Quyền đi tố giác.
Xử sơ thẩm lần 1, TAND huyện Bình Chánh đã tuyên án bằng đúng ngày tạm giam (một năm bảy tháng chín ngày tù), trả tự do tại tòa cho Sỹ và Uống. Án sơ thẩm sau đó bị TAND TP.HCM hủy vì chứng cứ kết tội yếu. Điều tra lại, Công an huyện Bình Chánh đã về Sóc Trăng bắt và khởi tố thêm Sệt.
TAND huyện Bình Chánh đã nhiều lần đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 nhưng phải hoãn để triệu tập Sỹ và người bị hại Phan Thanh Quyền (vắng mặt không lý do). Sau đó VKSND huyện Bình Chánh rút hồ sơ về, thả Sệt rồi im lặng cho đến nay.