ThS Lê Văn Luân, chủ nhiệm đề tài, cho biết hệ thống sản xuất đá tuyết này giúp giảm chi phí vận chuyển đá từ đất liền. Độ lạnh của đá tuyết nước biển sâu hơn đá bào từ nước ngọt nên làm lạnh nhanh hơn, bảo quản hải sản tốt hơn.
Để giúp vận hành thuận tiện, máy sản xuất đá tuyết được tích hợp bộ điều khiển trung tâm, hiển thị các thông số kỹ thuật, mức nhiên liệu tiêu thụ, nhắc lịch bảo dưỡng… và khả năng điều chỉnh độ đậm đặc của đá tuyết phù hợp với từng loại thủy sản cần bảo quản. Đây là máy làm đá từ nước biển đầu tiên được nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong nước.
Từ thực tiễn thử nghiệm, ông Ngô Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty Việt Trường, xác nhận hiệu quả kinh tế của công nghệ này. “Công ty chúng tôi có sáu chiếc tàu, mỗi chuyến ra biển cần dùng 30 triệu tiền đá, lượng hao hụt 30%, tương đương với 10 triệu, tính ra mỗi ngày công ty hao hụt 60 triệu cho sáu chiếc tàu. Còn khi dùng chiếc máy này thì công ty tiết kiệm được khoảng hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng”.
Ở cấp độ ứng dụng ban đầu, hệ thống máy mới đạt công suất 1 tấn đá tuyết/ngày, trong khi nhu cầu tàu cá trong mỗi chuyến đi biển dài ngày có thể cần tới 50-60 tấn đá. Vì vậy nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ để có thể phát triển những máy làm đá công suất lớn hơn, phù hợp hơn cho hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ.
ThS Lê Văn Luân cho biết công trình nghiên cứu ứng dụng này được tài trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, còn lại là đóng góp từ doanh nghiệp có quan tâm. Hiện đã có một doanh nghiệp thủy sản ở Bạch Long Vĩ (Quảng Ninh) ký thỏa thuận để tiếp tục phát triển sản phẩm.