Việt Nam sản xuất chip máy tính, điện thoại, ô tô: Được không?

(PLO)-  “Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip” - chủ tịch Hội Công nghệ và vi mạch TP.HCM nhận định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việt Nam (VN) đã tự chủ về khả năng thiết kế chip và đang ấp ủ tham vọng sản xuất chip với quy mô lớn trong bối cảnh toàn cầu đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.

Từng chế tạo thành công con chip nhưng…

Tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho đơn vị này được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Thủ tướng cho rằng đây là đề xuất hợp lý và đề nghị Viettel phải đóng vai trò đầu tàu trong việc nghiên cứu, sản xuất chip để phục vụ đắc lực, hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tập đoàn này giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; làm trung gian thanh toán chuyển mạch, bù trừ điện tử.

Nhu cầu chip cho tivi, máy tính, điện thoại thông minh… ngày càng gia tăng. Ảnh: MINH HOÀNG

Nhu cầu chip cho tivi, máy tính, điện thoại thông minh… ngày càng gia tăng.
Ảnh: MINH HOÀNG

Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất sản xuất chip của Viettel là hợp lý. TS Majo George, ĐH RMIT VN, phân tích: Dịch bệnh đã tác động đến các trung tâm sản xuất chip ở châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến việc sản xuất nhiều loại hàng hóa như ô tô, máy tính, điện thoại thông minh… Thậm chí có thời điểm nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất vì thiếu chip.

“Thế giới đang thiếu chip và VN đang tiến hành quá trình chuyển đổi số như quản trị số, kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử và cải thiện an ninh mạng trên tất cả lĩnh vực. Vì vậy, việc sản xuất chip sẽ thúc đẩy khát vọng của VN trở thành trung tâm sản xuất nổi bật trong khu vực, các ngành công nghiệp sẽ có thể có nguồn chip sản xuất nội địa, qua đó giúp giảm chi phí logistics” - vị chuyên gia của ĐH RMIT VN nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng quyết định sản xuất chip trong nước không chỉ tạo ra ngoại tệ từ việc xuất khẩu mà còn là cơ hội để tự phát triển các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nền kinh tế VN đi lên.

Thực tế, VN đã từng thành công trong việc thiết kế chip. Vào năm 2014, Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) ĐH Quốc gia TP.HCM đã thiết kế và chế tạo thành công con chip SG8V1. Đáng chú ý, sản phẩm này đã đưa vào ứng dụng trong thiết bị giám sát hành trình ô tô, hộp đen xe máy, khóa điện tử giám sát quản lý xe container, điện kế điện tử một pha và ba pha…

Đã nghiên cứu thành công chip 2.5D

Một nhóm chuyên gia người VN làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, trường đại học nước ngoài đã nghiên cứu thành công hệ thống chip 2.5D có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT (Internet vạn vật).

Sản phẩm này có nhiều ưu điểm như mức đầu tư thấp, phù hợp và tương hỗ với ngành công nghệ phần mềm đã phát triển tại VN. Hệ thống chip này đã được ứng dụng thành công trong việc nuôi thủy hải sản tại Nha Trang.

Ông NGUYỄN MINH TUẤN, Chủ tịch Hội Công nghệ và vi mạch TP.HCM

Những người tham gia chương trình chip SG8V1 đã từng đặt kế hoạch cạnh tranh được với chip PIC của Microchip về giá thành. Tuy nhiên, mọi thứ phải dừng lại vì dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip - một bàn đạp rất quan trọng để đưa chip vào thương mại hóa đã không thành hiện thực.

Chặng đường dài phía trước

“VN hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip. Có đủ hai vấn đề này, VN có thể gia nhập nhóm sản xuất chip trên thế giới. Tôi tin Viettel đủ năng lực cho điều này nếu nhìn về chặng đường phát triển công nghệ của họ từ trước đến nay” - Chủ tịch Hội Công nghệ và vi mạch TP.HCM Nguyễn Minh Tuấn tự tin.

Sản xuất chip không hề dễ dàng. Ảnh: FIERCE ELECTRONICS
Sản xuất chip không hề dễ dàng. Ảnh: FIERCE ELECTRONICS

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cuộc cạnh tranh trên thị trường chip rất khốc liệt. Vì vậy, VN cần phải tính toán rất cẩn trọng trong chiến lược chọn loại chip nào để thành công về mặt đầu tư cũng như thương mại hóa. Hiện các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, TMSC đã tiến hành sản xuất chip 5nm và nghiên cứu đến chip 3nm. VN không thể đi theo con đường này vì đầu tư vào đây đòi hỏi nguồn tiền rất lớn lên đến cả trăm tỉ USD, chưa kể công nghệ sản xuất này VN khó có thể theo được.

“Trước mắt có lẽ chúng ta chưa thể đầu tư vào những con chip kích thước nhỏ, thường đòi hỏi công nghệ hiện đại dẫn đến nguồn lực đầu tư rất đắt đỏ mà nên sản xuất con chip có kích thước không dưới 28nm. Đây là những con chip rất thông dụng cho nông nghiệp công nghệ cao hay các chip dùng cho ô tô vì không đòi hỏi kích thước siêu nhỏ” - ông Tuấn nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhìn nhận sản xuất chip bán dẫn rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, công nghệ thiết bị đắt tiền… Đặc biệt chu kỳ công nghệ thay đổi nhanh, thế hệ mới ra đời sau mỗi hai năm, yêu cầu vốn đầu tư rất lớn, thường trên 5 tỉ USD cho một nhà máy. Ngoài ra, chi phí vận hành cao cũng như mức độ cạnh tranh rất khốc liệt, đòi hỏi nhiều chuyên gia đầu ngành và kỹ sư kinh nghiệm, trong khi đó thời gian thu hồi vốn rất dài, gần 10 năm.

“Việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu và các chuyên gia có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm sẽ là một thách thức. Để giải quyết được vấn đề này, VN phải tăng cường đào tạo và phát triển các nguồn nhân lực tài năng trong nước. Điều này có thể đạt được bằng cách hợp tác với các trường đại học danh tiếng trên thế giới” - TS Majo George gợi ý.

ThS NGUYỄN LÊ HUY, ĐH RMIT VN:

Cần có chiến lược trung hạn và dài hạn

Việc tự chủ công nghệ chip bán dẫn sẽ giúp thu hút một lượng lớn các tập đoàn công nghệ gia tăng đầu tư trực tiếp, thành lập hoặc mở rộng trung tâm nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ ngay tại VN. Tuy nhiên, trong chiến lược sản xuất chip, VN cần có chiến lược trung hạn và dài hạn.

Về trung hạn, VN cần tham gia những công đoạn nghiên cứu phát triển đòi hỏi chủ đạo là yếu tố con người. Chính phủ cần tiếp tục việc đầu tư và đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Samsung, Intel, Synopsys, Cadence... thành lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại VN. Song song đó, cần có chính sách để hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.

Về dài hạn, VN cần nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông qua đó, tiến tới việc hoàn thiện và tự chủ hoàn toàn tất cả công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm