Việt Nam xuất siêu 8 năm liên tiếp, thặng dư gần 30 tỉ USD

(PLO)- Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỉ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao… Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

15da72da42f3eaadb3e2-6012.jpg
Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, ngành Công Thương đã nỗ lực vượt qua và đạt được một số kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Đó là giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỉ USD.

“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỉ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng chia sẻ.

pho-thu-tuong-2595.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngoài ra, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành Công Thương đạt được trong năm 2023. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, nhiều chiều đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, hạn chế, vướng mắc để xác định giải pháp tháo gỡ.

Trước hết, về thể chế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương cần hạn chế tình trạng chậm trình, chậm ban hành các văn bản theo thẩm quyền. Bộ Công Thương cần có biện pháp khắc phục không để xảy ra các vấn đề trong các lĩnh vực quan trọng như xăng dầu, khí đốt, điện năng, các nguồn năng lượng sơ cấp. Bởi nếu các lĩnh vực này có vấn đề gì thì cả nền kinh tế và đời sống dân sinh sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng cả thương hiệu, uy tín, môi trường đầu tư của Việt Nam..

Vẫn nói về câu chuyện an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng cho hay có 3/6 chỉ tiêu đánh giá an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo hướng bất lợi. Tỉ lệ nhập khẩu năng lượng sơ cấp trong tổng cung năng lượng đã tăng lên từ 8,4% năm 2015 lên 48% năm 2020.

“Tôi hi vọng số liệu này sai, nếu đúng như vậy thì đây là vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghĩ” - Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, công nghiệp chế biến chế tạo ước chỉ tăng 3,1%, một số ngành công nghiệp chủ lực đều giảm, có lĩnh vực giảm khá sâu đến 43% như công nghiệp điện tử là vấn đề rất báo động. “Cơn bão này đang lộ ra những vấn đề để xem xét lại chiến lược sản xuất công nghiệp, thị trường tiêu thụ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm