Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 với hoạt động kinh doanh bị thu hẹp rất mạnh, đặc biệt là tình trạng cắt giảm nhân viên.
Cắt giảm hơn 10.000 nhân viên một năm
Cụ thể, đầu năm 2017, tổng số nhân viên Vinasun là 17.160 người nhưng đến ngày 31/12/2017 số lượng này đã giảm xuống chỉ còn 7.117 người, tương đương giảm hơn 10.000 người trong một năm qua.
Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2017 cũng cho biết Vinasun đã phải cắt giảm 4.239 nhân viên chỉ trong 3 tháng đầu năm. Theo lãnh đạo của Vinasun, nguyên nhân của đà sụt giảm này là do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ Uber và Grab, một số tài xế đã chuyển sang chạy loại hình dịch vụ này.
|
Bên cạnh đó, Vinasun cũng đã thay đổi loại hình kinh doanh từ thuê nhân viên sang nhượng quyền thượng mại. Theo đó, các tài xế sẽ không còn nằm trong danh sách nhân viên của công ty mà sẽ tự chịu chi phí xăng xe và trả lại một khoản tiền thuê nhất định cho Vinasun.
Phần lớn lợi nhuận đến từ thanh lý xe cũ
Dù đã tìm nhiều cách để giảm bớt chi phí vận hành doanh nghiệp, kết quả kinh doanh của “ông lớn” taxi thị trường phía Nam này vẫn sụt giảm.
Cụ thể, tính riêng quý IV/2017, doanh thu thuần Vinasun chỉ đạt 486 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, việc cắt giảm nhân viên không giúp chi phí quản lý doanh nghiệp của Vinasun giảm đi mà lại tăng gấp đôi lên tới gần 65 tỷ đồng. Kết quả, trong quý IV/2017, Vinasun tiếp tục báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 42 tỷ.
|
Nếu không nhờ có khoản lợi nhuận khác tăng gần 80% với hơn 91 tỷ đồng thì có thể Vinasun đã phải báo lỗ ròng trong quý IV/2017. Hàng chục tỷ lợi nhuận khác này chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, taxi cũ của công ty. Sau cùng, Vinasun thu về 41 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 41% so với cùng kỳ.
Tính cả năm 2017, doanh thu thuần của Vinasun tiếp tục giảm 35% so với năm 2016, cơ cấu doanh thu của Vinasun cũng thay đổi khi tỷ trọng vận tải hành khách bằng taxi giảm mạnh, thay vào đó là hoạt động nhượng quyền thương mại và khai thác taxi. Cụ thể, doanh thu vận tải hành khách bằng taxi vẫn là nguồn thu lớn nhất đạt 2.067 tỷ đồng nhưng chỉ còn chiếm 70% tổng nguồn thu trong năm qua. Trong khi hoạt động nhượng quyền thương mại lần đầu tiên đã mang về cho Vinasun thêm 566 tỷ đồng doanh thu.
|
Trong khi hoạt động chính của doanh nghiệp lại chỉ mang lại cho "ông lớn" taxi này vỏn vẹn 36 tỷ đồng lợi nhuận năm qua thì hoạt động thanh lý tài sản trở thành “cứu cánh” của Vinasun khi mang lại khoản lợi nhuận gần 209 tỷ đồng. Kết quả, Vinasun báo lãi ròng sau thuế 190 tỷ đồng, giảm 40%.
Tính đến cuối năm 2017, Vinasun có tổng cộng 1.177 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó hơn 789 tỷ là nợ vay tài chính, giảm mạnh so với năm 2016 do công ty đã tiến hành tất toán nhiều khoản nợ. Trong năm 2018, Vinasun sẽ phải chịu áp lực trả nợ vay tài chính thêm 397 tỷ đồng.