Sáng 26-6, tôi nhận tin anh Sáu Quang (Võ Duy Quang, nguyên Chánh án TAND tỉnh, nguyên Cục trưởng Cục THADS tỉnh, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận) qua đời ở tuổi 65 do đột quy.
Hồi đó, tôi và nhiều người nói vui, Sáu Quang mà làm thêm bên công an nữa thì ổng vừa là điều tra, truy tố, xét xử rồi thi hành án luôn. Anh Sáu chỉ cười rồi giả bộ nghiêm mặt: “Bậy mày, tao làm vậy là nhiều lắm rồi”.
Ông Võ Duy Quang lúc sinh thời.
Tôi biết anh Sáu khi anh mới chuyển từ TAND huyện Tuy Phong về TAND tỉnh Thuận Hải (sau tách ra thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận như hiện nay). Anh sống đơn giản, cười nói rổn rảng nhưng vô cùng nghiêm khắc trong công việc và đặc biệt là... nhát gái.
Giỏi về chuyên môn, ra trường vài năm, mới 25 tuổi anh Sáu đã là thẩm phán phụ trách TAND huyện Tuy Phong rồi sau đó giữ chức chánh án tòa án huyện này.
33 tuổi, Sáu Quang đã là phó chánh án TAND tỉnh Thuận Hải và sau đó là chánh án TAND tỉnh Bình Thuận. Từng trực tiếp ngồi xét xử không biết bao nhiêu vụ án phức tạp, gai góc và có tài hùng biện nhưng đứng trước “đối tượng” (phụ nữ), Sáu Quang luôn ấp a, ấp úng.
Thực ra thì anh Sáu cũng có mấy mối tình nhưng lại là... tình đơn phương, chỉ để ý rồi... để đó chứ không dám tỏ tình. Tôi rất nhiều lần ngồi nhậu với anh Sáu và người bạn chí cốt từ thuở hàn vi của anh là luật sư Sầm Văn Đạo, nghe chọc nhau về chuyện “nhát gái” của Sáu Quang mà không dám cười vì sợ Sáu Quang tự ái. Lần nào cũng vậy, Sáu Quang chỉ cười hềnh hệch, chỉ luật sư Đạo nói: “Mày đừng nghe nói, đồ đặt điều”...
Còn nhớ năm 1998, Sáu Quang (lúc đó là phó chánh án) trực tiếp ngồi ghế chủ tọa xét xử vụ án phá rừng Tánh Linh nổi tiếng một thời. Ai cũng lo cho Sáu Quang bởi nhiều bị cáo là quan chức cấp tỉnh, thậm chí người có nghĩa vụ liên quan từng là lãnh đạo.
Thời điểm trên còn có ý kiến phải cho người bảo vệ Sáu Quang sau mỗi ngày xét xử trên đường từ tòa về nhà và ngược lại. Tuy nhiên Sáu Quang gạt phắt đề nghị này. Suốt 13 ngày Sáu Quang điều hành, xét xử, phiên tòa đã nhận được khá nhiều ý kiến hoan nghênh, ủng hộ.
Viện trưởng VKSND Bình Thuận Võ Duy Quang phát biểu trong cuộc họp của ngành.
Dù trên cương vị nào, chánh án, cục trưởng hay viện trưởng, anh Sáu vẫn luôn dành cho anh em báo chí cảm tình đặc biệt. Cần bản án hay cáo trạng, gọi điện trước, chạy qua gõ cửa phòng là Sáu Quang luôn in ra để sẵn.
Hôm nào dự phiên tòa, ra ngoài giải lao mà Sáu Quang thấy, lập tức kéo tay vô phòng chánh án ngồi uống trà. Ngoài chuyện hỏi thăm gia đình, anh Sáu luôn hỏi về các bản án của tòa vừa xét xử; thẩm phán này thẩm vấn, tranh luận được hay chưa được và luôn giở cuốn sổ to đùng ghi chép rất tỉ mỉ.
Có vụ việc đã gần 20 năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in, đó là bản án sơ thẩm kết án chung thân “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén mà anh Sáu cung cấp.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Thận - chủ tịch xã Tân Minh, phó chủ tịch MTTQVN huyện Hàm Tân (Bình Thuận) - bắt đầu chuẩn bị hồ sơ để giúp kêu oan cho những người trong vụ án Vườn điều và vụ án Huỳnh Văn Nén.
Hồ sơ ban đầu chúng tôi nhận được chỉ là xấp đơn kêu oan của chín người trong vụ án Vườn điều và lá đơn của ông Huỳnh Văn Truyện khẳng định con trai mình là Huỳnh Văn Nén bị kết án oan.
Tôi cùng nhà báo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đến gặp anh Sáu Quang. Sau một tuần trà, chúng tôi bày tỏ muốn có bản sao cáo trạng và Bản án số 96-HSST ngày 31-8-2000 của TAND tỉnh Bình Thuận kết án Huỳnh Văn Nén chung thân về tội giết người, cướp tài sản. Như đã chuẩn bị sẵn, lập tức anh Sáu đến bên chiếc tủ lấy đưa hai bản sao rồi ngồi xuống nói: “Chúng tôi cũng băn khoăn và đau đầu vụ án này lắm. Ông Nén ra tòa nhận tội hết, án có hiệu lực pháp luật, giờ ra phiên tòa khác thì kêu oan”.
Những tài liệu mà anh Sáu Quang cung cấp rất quan trọng, bởi ngay cả gia đình ông Nén lúc đó cũng không có. Theo ông Nguyễn Thận, đây được xem là sự đột phá khởi đầu cho hành trình giải oan cho ông Nén sau này...
Ông Lại Văn Loan (phải), Vụ trưởng Vụ 6, VKSND Tối cao, đến nhà riêng thăm anh Sáu Quang.
Anh Sáu Quang về hưu và rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh ở trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng trên đường Trần Quang Diệu, TP Phan Thiết. Có khá nhiều người thắc mắc, một ông chánh án, viện trưởng tỉnh, “quyền sinh sát” trong tay quá lớn, vậy mà không ở biệt thự, biệt phủ.
Thiên hạ thắc mắc cũng đúng bởi ít ai biết, Sáu Quang sống rất liêm chính và có hiếu. Tiền lương, thu nhập anh Sáu đều trích ra phần lớn gởi về quê cho cha già và người thân. Khi cha mất, anh quay sang đón mấy đứa cháu từ quê lên nuôi ăn học.
Không vợ con, sau đợt tai biến mấy năm trước, anh Sáu về nghỉ hưu trước tuổi. Cứ ngỡ căn nhà nhỏ của Sáu Quang sẽ vắng lặng nhưng hàng xóm ai cũng bất ngờ, tối nào cũng có những thuộc cấp cũ từ 3 cơ quan đến thăm chơi, còn cuối tuần thì đông nghẹt. Họ đến bóp tay, bóp chân, kể chuyện cho anh Sáu Quang nghe với đầy ắp tiếng cười huynh đệ...
Luật sư Sầm Văn Đạo, bạn chí cốt của Sáu Quang từ thời còn tỉnh Thuận Hải (cũ), công tác ở VKSND huyện Tuy Phong, sau này về Ninh Thuận là chủ nhiệm Đoàn Luật sư, cũng mất trước anh Sáu Quang do đột quỵ. Giờ anh Sáu và anh Đạo sắp gặp nhau rồi. Dù ở đâu, Sáu Quang cũng có bạn bè, anh em mà, đúng không!
Vĩnh biệt anh Sáu!