Xử sơ thẩm hồi tháng 5-2018, TAND TP.HCM đã phạt bà Phấn 30 năm tù, bồi thường 1.105 tỉ đồng từ hành vi lạm dụng tín nhiệm và hơn 15.600 tỉ đồng từ hành vi cố ý làm trái.
Cùng hai tội danh trên, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (trợ thủ đắc lực của bà Phấn) bị phạt tổng cộng 28 năm tù, Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, cháu bà Phấn) bị phạt tổng cộng 10 năm tù, các bị cáo khác bị phạt từ hai năm án treo đến 10 năm tù. Sau đó 11/28 bị cáo kháng cáo (bà Phấn và hai bị cáo khác kháng cáo kêu oan), nguyên đơn dân sự và 15/214 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo.
Như đã đưa tin từ trước, trong 11/28 bị cáo kháng cáo có ba bị cáo kêu oan là bà Phấn, Loan và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (bị tuyên phạt hai năm tù). Tuy nhiên, chiều hôm qua, tại phần hỏi của luật sư, bị cáo Tuyết xin thay đổi kháng cáo, không kêu oan nữa mà xin HĐXX cho bị cáo hưởng án treo.
VKS đề nghị bác kháng cáo kêu oan
VKS phát biểu quan điểm: Đối với kháng cáo kêu oan của bà Phấn, trước hết phải khẳng định trong vụ án này bị cáo Phấn là người chủ mưu cầm đầu trong việc đề ra chủ trương, chỉ đạo các bị cáo khác và những người làm thuê tại các công ty do chính bị cáo lập ra thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, làm thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.000 tỉ đồng.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, hầu hết các bị cáo là lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng Đại Tín, cũng như bị cáo là người thân của bị cáo Phấn cho đứng tên công ty do bị cáo Phấn thành lập đều khai nhận phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của chính bị cáo Phấn có luật sư tham gia, phù hợp với lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ như các hợp đồng, chứng từ kế toán và định giá tài sản,... do đó đủ cơ sở xác định việc quy kết và xử bị cáo Phấn như bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan không sai.
VKS đang phát biểu. Ảnh: YC
Đối với kháng cáo về USB của luật sư do bị cáo Phấn cung cấp thì thấy theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS, những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự thủ tục do bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Do đó kháng cáo về nội dung này không có căn cứ chấp nhận.
Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, VKS cho rằng đã đủ cơ sở xác định bị cáo Tuyết tham gia cùng các đồng phạm đã lập khống các chứng từ, giúp bị cáo Phấn thu khống. Hành vi trên của bị cáo phạm vào tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, xin thay đổi kháng cáo xin hưởng án treo, lời khai bị cáo là phù hợp với các chứng cứ, thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, mặt khác bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, không hưởng lợi từ hành vi phạm tội, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cần xem xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Đối với bị cáo Loan, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thay đổi lời khai nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thừa nhận chính bị cáo là người đưa hồ sơ và truyền đạt ý kiến của bị cáo Phấn về việc mua bán nhà,... Như vậy thông qua chứng cứ đã thu thập được, việc quy kết và xử phạt bị cáo Loan có căn cứ pháp luật, không oan không sai. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo thừa nhận việc lúc trước không nhận tội là do tinh thần bất ổn, mới sinh con nên xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Mặt khác, bị cáo không hưởng lợi gì nên cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Loan từ 28 năm tù xuống còn 22-25 năm tù.