VỤ BỊ ĐÁNH CHẾT SAU KHI CÃI CSGT

VKS không truy tố nguyên CSGT tội giết người

Thẩm phán Lâm là người được phân công chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Hiện tòa đang nghiên cứu hồ sơ và chưa lên lịch xét xử.

Lần này nguyên thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như cùng đồng phạm vẫn chỉ bị truy tố tội cố ý gây thương tích.

Luật sư Hoàng Cao Sang, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình nạn nhân, cho biết chiều qua chị Dương Thị Thảo (vợ nạn nhân) tiếp tục gửi đơn khiếu nại việc cho Như tại ngoại. Chị yêu cầu chuyển tội danh truy tố đối với các bị cáo thành tội giết người vì chồng chị bất tỉnh rồi mà vẫn còn bị đá vào bụng, vào ngực, vào đầu.

Trước đó, ngày 23-12-2015, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định lại tội danh và làm rõ những tình tiết mới phát sinh tại tòa.

Theo tòa, nguyên nhân của việc vỡ ruột non của nạn nhân xuất phát trực tiếp từ việc các bị cáo đánh bị hại. Giải thích của giám định viên tại tòa khẳng định: Vết thương rất nguy hiểm đến tính mạng, dù được cấp cứu kịp thời thì khả năng tử vong vẫn có thể xảy ra và thực tế đã xảy ra. Sặc thức ăn vào đường thở chỉ là cơ chế chết.

Tại phiên tòa, các bị cáo Chung, Hạnh... khai trước khi ra đầu thú thì Như đã gặp để thỏa thuận hướng khai báo sai sự thật để được Như cho hưởng lợi vật chất. Đây là tình tiết mới phát sinh tại tòa. Do đó, cần xem xét lại tội danh của các bị cáo và điều tra bổ sung những tình tiết mới này.

Các bị cáo trong vụ án

Sau khi điều tra bổ sung, VKSND TP.HCM đã chuyển lại hồ sơ vụ án. VKS vẫn giữ quan điểm truy tố các bị cáo về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Đối với việc xác định tội danh, VKS cho rằng bản kết luận điều tra đã xác định hành vi của các bị cáo dẫn đến hậu quả chết người nhưng mục đích của hành vi chỉ là “đánh dằn mặt”. Tai biến sặc thức ăn vào đường thở, sau gây mê tại bệnh viện là tác dụng phụ ngoài ý muốn, ngoài khả năng nhận biết của các bị cáo nên không thể quy kết lỗi cố ý đối với hậu quả chết người.

Theo viện, Hạnh khai tại tòa là Như gọi ra quán cà phê, Hạnh thấy một cọc tiền, không biết bao nhiêu và không nhận tiền. Khi được điều tra lại, Hạnh xác định nội dung khai báo tại tòa là không đúng vì nhìn thấy người nhà nạn nhân mang theo di ảnh gây áp lực; lời khai của Hạnh trước đó mới là thật…

Như đã thông tin, đêm 25-6-2014, tổ tuần tra CSGT do Như làm tổ trưởng chốt tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Thấy ông Nguyễn Văn Chín có biểu hiện đã sử dụng rượu bia, CSGT dừng xe kiểm tra nhưng ông Chín không ký biên bản và la lối. Lúc này Nguyễn Minh Chung (người quen của Như, vừa ra tù về tội cướp giật tài sản) đến giải quyết bằng cách “đánh dằn mặt”. Chung đã gọi theo Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương và Trần Đức Vững cùng đến. Nhóm của Chung đã gọi ông Chín ra một nơi khác rồi lao vào đánh.

Ông Chín được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại bệnh viện hai ngày sau. Giám định pháp y kết luận: Nguyên nhân chết do chấn thương bụng kín gây vỡ ruột non; suy hô hấp cấp do sặc chất chứa trong dạ dày… Theo giải thích của cơ quan pháp y thì hành vi đấm đá vào dưới sườn và hông của nạn nhân đã gây ra thương tích dẫn đến cái chết.

Quá trình điều tra, CQĐT đã thu thập được danh sách các cuộc gọi. Theo đó, đêm xảy ra sự việc, giữa Như và Chung đã có hàng loạt cuộc gọi với nhau… Cáo trạng xác định Như đã gọi cho Chung đến để đánh thị uy. Chung gọi thêm Hạnh, Vương, Vững đến đánh ông Chín dẫn đến tử vong. Tại CQĐT và tại tòa, Như phủ nhận các cáo buộc.

Ngày 11-9-2014, Như bị tước danh hiệu công an. Ngày 7-11-2014, Như bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 13-2-2015, Như được gia đình bảo lãnh tại ngoại với lý do “từng là chiến sĩ công an nhân dân và phạm tội lần đầu”. Hiện Như vẫn đang được tại ngoại chờ ra tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm