Sáng 23-12, TAND TP.HCM đã đưa vụ án Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy thuộc Đội CSGT Công an quận Tân Bình) và bốn đồng phạm ra xử sơ thẩm về tội cố ý gây thương tích. Tòa đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. “Theo kết quả giám định tại hồ sơ vụ án cũng như các thông tin được cung cấp bởi giám định viên tại tòa, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Chín là do chấn thương tụ huyết vùng bụng, gây vỡ ruột non dẫn đến tử vong, do đó phải xem xét vấn đề đổi tội danh. Đồng thời cũng là để làm rõ có hay không chuyện hứa hẹn tiền nong giữa các bị cáo” - tòa yêu cầu.
CSGT gọi côn đồ đến đánh khiến nạn nhân tử vong
Theo hồ sơ, đêm 25-6-2014, tổ tuần tra CSGT do Như làm tổ trưởng chốt tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Thấy ông Nguyễn Văn Chín có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia, CSGT dừng xe kiểm tra nhưng ông Chín không ký biên bản và la lối. Lúc này, Nguyễn Minh Chung (người quen của Như, vừa ra tù về tội cướp giật tài sản) đến giải quyết bằng cách đánh dằn mặt. Chung đã gọi theo Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương và Trần Đức Vững cùng đến. Nhóm của Chung đã gọi ông Chín ra một nơi khác rồi lao vào đánh.
Ông Chín được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại BV Thống Nhất hai ngày sau. Giám định pháp y kết luận: Nguyên nhân chết do chấn thương bụng kín gây vỡ ruột non; suy hô hấp cấp do sặc chất chứa trong dạ dày…
Theo giải thích của cơ quan pháp y thì hành vi đấm đá vào dưới sườn và hông của nạn nhân đã gây ra thương tích dẫn đến cái chết.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu thập được danh sách các cuộc gọi. Theo đó, đêm xảy ra sự việc, giữa Như và Chung đã có hàng loạt cuộc gọi với nhau…
Cáo trạng xác định Như đã gọi cho Chung đến để đánh thị uy. Chung gọi thêm Hạnh, Vương, Vững đến đánh ông Chín dẫn đến tử vong.
Tại tòa, đại diện Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Chín là vỡ ruột non và chết chứ không phải do quá trình điều trị hay do bệnh lý gì cả. “Chúng tôi không được nhận hồ sơ bệnh án. Chúng tôi giám định bằng tất cả lương tâm” - giám định viên trình bày.
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên thượng úy CSGT (hàng đầu, đeo đồng hồ) tại phiên tòa ngày 23-12. Ảnh: HOÀNG GIANG
Có hay không CSGT Như nhờ người “gánh” tội?
Ngày 9-7-2014, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Chung, Hạnh, Vương, Vững lần lượt bị bắt tạm giam ngay sau đó. Riêng Như thì đến ngày 7-11-2014 mới bị tạm giam (khởi tố ngày 22-10-2014).
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Như khai gọi Chung chỉ để rủ đi nhậu sau khi trực xong. Sau đó Như thừa nhận có nhờ Chung đến để “giúp đỡ” đưa ông Chín về (?!). Sở dĩ ban đầu khai vậy là do sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý hình sự, sợ ảnh hưởng gia đình và uy tín của ngành.
Tại phiên tòa hôm qua, Như vẫn khẳng định bốn bị cáo đổ tội cho Như. Như chỉ gọi cho Chung nhờ đến giúp đỡ đưa ông Chín về nhà (?!). Luật sư (LS) Hoàng Cao Sang - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình nạn nhân hỏi: “Nếu không kêu Chung đến đánh anh Chín thì sao bị cáo thừa nhận không oan?”. Như trả lời: “Bị cáo thấy mình có liên quan đến cái chết của anh Chín”.
Lời khai của Chung trong hồ sơ thể hiện: Như gọi Chung đến đánh dằn mặt ông Chín. Sau khi Như biết ông Chín chết, Như đã đến gặp Chung và đề nghị Chung nhận hết mọi hành vi. Đổi lại, Như sẽ cho Chung 200 triệu đồng, lo cho gia đình Chung, hằng tháng sẽ thăm nuôi Chung và cho Chung 5 triệu đồng. Hai bên đã nhiều lần gặp nhau tại quán nước và tại nhà của Chung.
Về chi tiết này, tại tòa khi LS Sang hỏi, Chung khẳng định đúng là có chuyện này.
Vương thì khai trong hồ sơ: Ngày 1-7, tôi mới hay tin người bị đánh đã chết. Tôi bèn đến gặp Chung, lúc này đang ở cùng Hạnh. Chung nói anh Như sẽ bỏ tiền ra lo vụ này. Anh Như sẽ cho tôi và Hạnh mỗi người 100 triệu đồng để ra đầu thú. Anh Chung còn nói tôi và Hạnh chỉ phải chịu án nhiều nhất là ba năm tù thôi. Mỗi tháng sẽ có tiền thăm nuôi là 5 triệu đồng, ra tù anh Như cho mỗi người một cái xe máy. Hạnh trả lời anh Chung là sao cũng được, còn tôi thì không đồng ý nhưng không nói ra. Chiều cùng ngày, ngồi ở quán cà phê, anh của Chung có nói với tôi và Hạnh là trước khi đi đầu thú thì sẽ dẫn đến gặp một anh công an để hướng dẫn cách khai… Một lúc sau Chung có điện thoại, Chung nói “ừ ừ” rồi Chung bảo Hạnh “em đi đi”. Hạnh bỏ đi nhưng Vương không biết Hạnh đi đâu. Hơn 7 giờ tối, tôi hỏi thì Chung nói “mới nhận được 50 triệu à”.
Tại tòa, Vương thừa nhận lời khai này là chính xác.
Tuy nhiên, khi LS Sang hỏi Chung thì Chung không thừa nhận, còn Hạnh thì nói có đến quán cà phê do Như hẹn, thấy cục tiền không biết bao nhiêu nhưng không nhận bởi nhà đã chuyển về quê, còn Hạnh sắp đi đầu thú nên không biết nhận để làm gì…
Lời khai thống nhất: CSGT Như kêu đánh dằn mặt
Tại tòa, trả lời chủ tọa, Chung khai: Đang đi đường thì nhận được điện thoại của Như. Như gọi bị cáo đến có việc nhưng không nói là việc gì. Bị cáo sợ không kịp nên gọi thêm ba bị cáo kia. Lúc bị cáo chạy đến cũng chưa ai đến cả. Khi đã có đủ mặt thì Như chỉ về phía ông Chín và nói đánh dằn mặt nhưng không được làm ảnh hưởng CSGT. Cả bốn đều nghe Như nói. Sau đó, bị cáo đến giải thích với ông Chín và kêu ông về nhà nhưng ông la lối nên bị cáo bỏ đi. Ngay lúc này có một vụ ngã xe nên bị cáo ra giúp đỡ. Tức bị cáo không đánh, cũng không chỉ đạo ba bị cáo kia đánh ông Chín.
Tuy nhiên, khi kiểm sát viên hỏi thì các bị cáo còn lại có lời khai không thống nhất. Hạnh khai mình đến đầu tiên, Chung chỉ tay về phía CSGT đang làm việc và nói: “Mày có thấy cái ông mặc áo sọc sọc bỏ áo vào quần, đánh đi”… Chung không đánh, cũng không can. Sau đó Hạnh hỏi Chung: “Tại sao lại đánh người ta?” thì Chung nói: “Là do anh Như bên CSGT nhờ”…
Vương thì khai lúc bị cáo này đến chốt CSGT thì Chung đang nói chuyện với một anh CSGT, sau này mới biết là Như. Nói xong Chung ra chỉ đạo các bị cáo: “Anh Như bị người ta chửi, tụi bay giúp anh Như đánh dằn mặt ông đó”… Chung bảo đánh đi và hất mặt về phía ông Chín. Vương đánh đầu tiên, đánh chõ vào mặt ông Chín gần té. ông Chín dựa vào hàng rào chắn công trình nhà đang xây dựng. Hạnh đánh vào vùng dưới sườn gần hông. Khi Hạnh đánh cái đầu tiên thì ông Chín đã bị té nằm xuống đất. Hạnh chống tay vào ngực ông Chín, khom người xuống đánh tiếp cái thứ hai. Người dân can ngăn...
Tuy các lời khai có khác nhau (về chuyện Chung có chỉ đạo hay không) nhưng đều thống nhất ở vai trò của Như là kêu Chung đánh dằn mặt anh Chín. Thế nhưng Như vẫn không thừa nhận hành vi.
Vợ nạn nhân đề nghị xử tội giết người Trong phần trình bày trước tòa, chị Dương Thị Thảo, vợ nạn nhân, hai khóe mắt ứa lệ, nghẹn ngào nhìn về phía Như và nói: “Chồng tôi là cái lưng của tôi, là cái cổ của tôi, là cuộc sống của tôi, vì cậu mà chồng tôi phải chết. Vậy thì cậu hãy nhận cái sai của mình để sớm kết thúc phiên tòa, không làm mất thời gian của mọi người ở đây”. Như cúi gằm mặt không nói gì.
Chị Dương Thị Thảo - vợ nạn nhân Chín và các con tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG Chị Thảo yêu cầu các bị cáo bồi thường gần 3,37 tỉ đồng tổn thất vật chất và tinh thần. Chị cũng giữ nguyên ý kiến đề nghị cơ quan tố tụng xem xét chuyển tội danh truy tố đối với các bị cáo thành tội giết người và không cho Như tại ngoại. Cho tại ngoại “đúng pháp luật” Ngày 11-9-2014, Như bị tước danh hiệu công an. Ngày 7-11-2014, Như bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 13-2-2015, Như được gia đình bảo lãnh tại ngoại với lý do “từng là chiến sĩ công an nhân dân và phạm tội lần đầu”. Từ đó, VKSND TP.HCM đã hủy bỏ tạm giam, cho Như tại ngoại chờ ngày ra tòa vì VKSND TP.HCM “xét thấy không cần thiết tạm giam Như”. Người ký quyết định là Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long. Chị Thảo - vợ nạn nhân đã khiếu nại việc cho Như tại ngoại vì Như là bị cáo đầu vụ. Tuy nhiên, chị được VKS trả lời rằng: “Căn cứ vào hồ sơ và lời khai nhận của các bị can, đã đủ căn cứ để truy tố tội cố ý gây thương tích. Do đó, khi nhận được đơn xin bảo lãnh tại ngoại của gia đình Như, VKSND TP.HCM đã xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật”. |