Ngày 14-2, TAND TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ.
Hai cựu giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ là bà Bùi Thị Lệ Phi và ông Cao Minh Chu, chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group Hoàng Thị Thúy Nga và 17 bị cáo khác bị VKS cáo buộc thông đồng trong thực hiện bốn gói thầu (tổng giá trị gần 90 tỉ đồng), gây thiệt hại gần 33 tỉ đồng.
Trước khi đi vào phần tranh luận, đại diện VKS đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Các vị đại diện VKS vào phiên tòa sáng nay (14-2). Ảnh: HOÀNG GIANG |
Theo VKS, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên cần có hình phạt nghiêm minh mang tính răn đe nhưng đồng thời cũng mang tính nhân văn, có tác dụng giáo dục các bị cáo.
“Việc quyết định hình phạt cần phân hóa vai trò người đứng đầu, người thực hiện, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, cân nhắc điều kiện khi thực hiện hành vi phạm tội, xem xét toàn diện nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…”, đại diện VKS nêu rõ.
Đáng chú ý, kết quả điều tra đủ căn cứ chứng minh dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi các công ty của Hoàng Thị Thúy Nga trúng thầu, cá nhân bà Bùi Thị Lệ Phi đã nhận của bà Nga 3 tỉ đồng và nhận 200 triệu đồng cho Sở Y tế Cần Thơ từ bà Nga.
Còn ông Cao Minh Chu cũng nhận 200 triệu đồng từ bà Nga thông qua Nguyễn Viết Hồng (giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây, Công ty NSJ). Cáo trạng cho rằng yếu tố vụ lợi trong vụ án này chính là việc đưa nhận tiền nêu trên.
VKS cũng cho rằng đủ căn cứ xác định việc bị cáo Phi đã nhận 3 tỉ đồng từ Nga tại nhà riêng của Phi vào ngày 3-12-2019. Do việc đưa nhận tiền vào thời điểm hai Công ty NSJ và Bình An đã trúng bốn gói thầu trong giai đoạn trong giai đoạn thanh quyết toán, bị cáo Phi sắp nghỉ hưu, hai bên không hứa hẹn trước nên VKS xác định đây là yếu tố vụ lợi trong vụ án.
Đối với 200 triệu đồng, Công ty NSJ hỗ trợ cho Sở Y tế Cần Thơ vào dịp Tết Nguyên đán, với trách nhiệm người đứng đầu, Phi đã xin nộp lại số tiền này để khắc phục hậu quả.
“Đủ cơ sở xác định bị cáo Phi nhận tổng cộng 3,2 tỷ đồng và Chu nhận 200 triệu đồng (thông qua Nguyễn Viết Hồng) từ bị cáo Nga. Việc đưa nhận tiền là yếu tố vụ lợi trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” – đại diện VKS nhận định.
Như vậy, VKS vẫn giữ quan điểm cho rằng không có hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án này mà việc đưa, nhận tiền như đã biết chính là “yếu tố vụ lợi…”.
Mức án cụ thể mà VKS đề nghị đối với từng bị cáo:
Đối với nhóm bị cáo Sở Y tế Cần Thơ: Bùi Thị Lê Phi 9-10 năm tù; Cao Minh Chu: 8-9 năm tù; Hồ Phương Quỳnh (chuyên viên Ban QLDA): 5-6 năm tù; Lương Tấn Thành (chuyên viên Ban QLDA): 4-5 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo thuộc Công ty NSJ (nhà thầu): Hoàng Thị Thúy Nga: 9-10 năm tù, Lê Huy Bình, tổng giám đốc: 5-6 năm tù, Kim Trọng Đoàn, phó tổng giám đốc: 5-6 năm tù, Đoàn Thị Nở, phó phòng dự án: 3-4 năm tù, Nguyễn Viết Hồng, giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây: 4-5 năm tù, Lê Thành Hưng, nhân viên phòng kinh doanh: 3-4 năm tù, Hoàng Ngọc Hồng Phúc, trưởng phòng kinh doanh: 3-4 năm tù, Nông Thị Bích Sửu, nguyên phó phòng dự án: 3-4 năm tù, Phùng Thị Dương, trưởng phòng dự án: 2-3 năm tù, Nguyễn Bảo Trân, nhân viên phòng dự án: 2-3 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo thuộc Công ty BTCVALUE (đơn vị thẩm định giá): Đặng Xuân Minh, thẩm định viên, đại diện theo pháp luật: 4-5 năm tù, Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên: 2-3 năm tù, Nguyễn Duy Hùng, nhân viên kinh doanh: 24-34 tháng tù.
Đối với nhóm bị cáo thuộc Công ty Mediconsult (đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu): Vũ Quang Ngọc, phó giám đốc: 24-36 tháng tù, Tạ Trường Xuân, nhân viên: 24-34 tháng tù.
Bị cáo thuộc Công ty Bình An (nhà thầu) có Hoàng Hà Anh, tổng giám đốc: 2-3 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị buộc bị cáo Nga, Công ty NSJ, Công ty Bình An bồi thường cho Sở Y tế Cần Thơ số tiền gần 33 tỉ đồng (được khấu từ các khoản).