Sau phần thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã có ý kiến: "Đề nghị HĐXX cho VKS xin rút lại toàn bộ hồ sơ vụ án vì quá trình điều tra cơ quan điều tra chưa làm rõ được các hành vi phạm tội của bảy bị cáo và những người liên quan"
Sau khi vào hội ý, HĐXX đã tuyên chấp nhận cho VKS huyện Tuy Đức rút hồ sơ vụ án tại phiên tòa để điều tra bổ sung, làm rõ hành vi của các bị cáo và các đối tượng liên quan.
Trong một diễn biến mới nhất, liên quan đến vụ án trên, ngày 24-2, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có văn bản đề nghị VKSND tỉnh Đắk Nông làm rõ các nội dung mà bị hại tố cáo cơ quan điều tra công an huyện Tuy Đức khởi tố sai tội danh, bỏ lọt tội phạm. VKSND Tối cao nhấn mạnh: “Quá trình kiểm sát nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm trong hoạt động tư pháp, đề nghị VKSND tỉnh chuyển vụ việc đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để giải quyết theo quy định pháp luật”.
Trước đó như báoPháp Luật TP.HCM đã thông tin, tại phiên tòa ngày 17-11-2016, TAND huyện Tuy Đức đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ bảo vệ Công ty Long Sơn truy sát người để giành rẫy. HĐXX yêu cầu VKS điều tra bổ sung các vấn đề sau:
Thứ nhất, làm rõ việc Đào Công Bắc, Phạm Đình Phúc (nhân chứng) có nhờ các bị cáo là sáu bảo vệ của Công ty Long Sơn đánh, chém người cướp rẫy hay không.
Thứ hai, xác minh 14,7 ha rẫy trước và sau ngày 3-3-2015 (ngày xảy ra vụ án) do ai quản lý.
Thứ ba, làm rõ vai trò của các đối tượng tên Đức và Phương (thư ký ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Giám đốc Công ty Long Sơn) có liên quan đến vụ án hay không.
Thứ tư, xác minh thông tin gia đình nạn nhân tố cáo vợ chồng Bắc sau khi chiếm rẫy đã bán, giao lại cho người của Công ty Long Sơn.
Dấu hiệu bỏ lọt tội kẻ chủ mưu
Theo cáo trạng, vụ án xuất phát từ tranh chấp đất giữa anh em Trần Văn Thanh, Trần Văn Hanh, Trần Văn Huỳnh với Đào Công Bắc. Sau đó, Bắc nhờ Phạm Đình Phúc đòi giúp đất và hứa sẽ bồi dưỡng.
Chiều 3-3-2015, Phúc rủ thêm nhóm Bốn, Long và Phong; Long gọi thêm Duy và Phú cùng một số nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn mang theo hung khí đến rẫy của Trần Văn Thanh.
Các bị cáo và nạn nhân Thanh (ảnh nhỏ)
Tại đây, nhóm của Bốn xông vào đánh, chém những người trong gia đình của Thanh. Vụ truy sát khiến Thanh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%, ba người khác trong gia đình Thanh bị thương.
Sau đó Công an huyện Tuy Đức đã khởi tố, bắt giam nhóm nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn về tội cố ý gây thương tích.
Tại tòa, các bị cáo khẳng định chính Đào Công Bắc (nhân chứng của vụ án) là người thuê các bị cáo đến rẫy nhà Thanh đánh, chém để lấy rẫy. Bằng chứng là sau khi lấy được rẫy, vợ chồng Bắc tiếp tục quản lý, sử dụng. Bị cáo Bốn khai: “Chính Bắc là chủ mưu chứ không phải bị cáo. Bắc thuê các bị cáo đi đòi rẫy, nếu bị hại láo thì cho một trận”.
LS đề nghị làm rõ vai trò chủ mưu của Bắc trong vụ án vì Bắc đã thuê các bị cáo cướp rẫy chứ các bị cáo không có mâu thuẫn gì với gia đình nạn nhân, vợ Bắc thừa nhận giữ rẫy từ sau ngày nhóm bảo vệ Công ty Long Sơn gây án…
LS Phạm Công Út, LS Nguyễn Quynh cho rằng hành vi các bị cáo là giết người
Tại tòa, các LS Phạm Công Út, Nguyễn Văn Quynh đưa ra nhiều luận cứ cho thấy hành vi của các bị cáo là giết người chứ không phải cố ý gây thương tích.
“Hành vi dùng rựa chém vào đầu nạn nhân là hành vi giết người chứ không phải là cố ý gây thương tích, đề nghị tòa chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh điều tra đúng thẩm quyền” - LS đề nghị.
Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn cho rằng hành vi của các bị cáo là hành vi dùng rựa đánh nên truy tố tội cố ý gây thương tích là đúng. Đồng thời, VKS đề nghị xử phạt các bị cáo từ ba đến tám năm tù.
Cuối cùng, tòa đã chấp nhận một số yêu cầu của các LS, tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.