Ngày 12-4, VKSND Cấp cao tại TP.HCM (Viện Cấp cao 3) tổ chức Hội nghị giao ban công tác 4 tháng đầu năm 2024 giữa Viện Cấp cao 3 với 23 VKSND cấp tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (VKSND địa phương).
Tại hội nghị, đại diện các VKSND địa phương như TP.HCM, Đắk Nông, Bình Dương,… cũng đã trình bày các tham luận, đưa ra các ý kiến đóng góp, các vấn đề thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc về vấn đề phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ giữa Viện Cấp cao 3 và VKSND địa phương. Từ đó, các địa phương đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, đánh giá cao hội nghị cũng như công tác phối hợp giữa Viện Cấp cao 3 và các VKSND địa phương trong thời gian qua. Ông Dũng đề nghị cả hai phía tiếp tục nâng cao quan hệ phối hợp trong công tác để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành.
Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cũng yêu cầu các bên cần tăng cường trao đổi thông tin và hết sức cẩn trọng trong các vụ án có kháng nghị. Đặc biệt là trong các vụ án mà giữa VKSND các cấp có quan điểm khác nhau, cần phải có sự trao đổi, thảo luận về các quan điểm kháng nghị, xét xử,… Cần hạn chế tối đa việc trong nội bộ ngành có những quan điểm trái ngược nhau.
Trong các án hủy, án sửa, đặc biệt là án hủy để điều tra lại, VKSND Cấp cao cần phải có hướng dẫn cho cấp dưới về quan điểm để điều tra lại. Trên cơ sở đó, các bên thảo luận, đưa ra giải pháp tốt nhất. Trường hợp các bên có những thắc mắc, không giải quyết được có thể báo cáo, xin ý kiến của VKSND Tối cao.
Đối với các thỉnh thị của VKSND địa phương về công tác xét xử, VKSND Cấp cao khi nhận được cần phải quan tâm và có trách nhiệm trả lời, hướng dẫn đầy đủ, mục tiêu chung là phát triển toàn ngành.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lê Đức Xuân, Kiểm sát viên VKSND Tối cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, cảm ơn và xin ghi nhận, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó viện trưởng VKSND Tối cao cũng như các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo VKSND các địa phương.
Ông Xuân đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, thực tế của các đại diện VKSND địa phương về ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế. Từ đó, ông nêu ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới.
Về công tác kháng nghị, đối với các vụ án kháng nghị phúc thẩm hoặc đề nghị giám đốc thẩm, các VKSND cấp tỉnh nên trao đổi với các viện nghiệp vụ về căn cứ, nội dung kháng nghị để có cơ sở vững chắc.
VKSND cấp tỉnh cần rà soát những bản án, quyết định của VKSND cấp huyện có hiệu lực pháp luật mà có vi phạm thì phải chủ động làm thông báo cho VKSND Cấp cao để kháng nghị.
Về thông tin hai chiều, ông Xuân đề nghị trong thời gian tới giữa Viện Cấp cao 3 và VKSND địa phương cần trao đổi với nhau một cách khăng khít và thường xuyên hơn nữa.
Theo báo cáo, từ ngày 1-12-2023 đến 31-3-2024, đối với công tác kiểm sát bản án, quyết định, Viện Cấp cao 3 đã tiếp nhận và kiểm sát 1.857 bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh. Tiếp nhận và kiểm sát 2.730 bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh và bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện chuyển đến.
Về công tác phối hợp, Viện Cấp cao 3 cũng đã tiếp nhận tổng số 227 báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ các VKSND địa phương. Sau khi rút hồ sơ để xem xét, nghiên cứu giải quyết, Viện Cấp cao 3 đã ban hành kháng nghị 36 vụ/227 vụ, đạt tỷ lệ 15,85%.
Về kết quả thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, riêng với án hình sự, Viện Cấp cao 3 kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 61 vụ/105 bị án. Trong đó, Viện Cấp cao 3 kháng nghị 55 vụ/98 bị án. Đã giải quyết 23 vụ/32 bị án. Kết quả xét xử, Tòa án chấp nhận kháng nghị của Viện Cấp cao 13 vụ/19 bị án (đạt 56,5% số vụ).
Về giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, quá trình nghiên cứu, giải quyết, Viện Cấp cao 3 đã ban hành 14 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Ban hành 2 kiến nghị khắc phục vi phạm đối với tòa án; thông báo đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 7 bản án, quyết định của TAND Tối cao.