Ngày 18-7, một nguồn tin của PLOxác nhận VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định kháng nghị đối với quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm một vụ án của TAND tỉnh Bình Định.
Theo hồ sơ, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Phát An Định (Công ty Hoàng Phát An Định) khởi kiện, yêu cầu tòa buộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hải Đăng (Công ty Hải Đăng) phải thanh toán hơn 4,5 tỉ đồng tiền hợp đồng dịch vụ.
Bản án sơ thẩm của TAND thị xã An Nhơn (Bình Định) tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đến ngày 18-8-2022, TAND tỉnh Bình Định ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trên. Vì vậy, bị đơn có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với quyết định của TAND Bình Định.
Xem xét hồ sơ vụ án, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trái quy định pháp luật.
Quyết định đình chỉ thể hiện: Đại diện hợp pháp của người kháng cáo (Công ty Hải Đăng) là ông NTH được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm và không thuộc trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Tuy nhiên, theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, ngày 12-8-2022, luật sư – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn có đơn xin hoãn phiên tòa lần hai vì cùng ngày phải tham gia một phiên tòa khác. Thế nhưng đến ngày 18-8-2022, bị đơn và luật sư vẫn có mặt tại tòa án và đã đến gặp thẩm phán, thư ký đề nghị tiếp tục phiên tòa phúc thẩm. Dù vậy, thẩm phán, thư ký vẫn thông báo hoãn phiên toà. Luật sư đã gọi điện thông báo cho kiểm sát viên kiểm sát giải quyết vụ án này.
Báo cáo giải trình của kiểm sát viên thể hiện: Khoảng hơn 9 giờ ngày 18-8-2022, người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho bị đơn có gọi điện cho bà thông báo việc thẩm phán báo hoãn phiên tòa. Trước đó, thư ký phiên tòa cũng gọi điện cho bà để thông báo tòa án hoãn xét xử vụ này. Do đó, kiểm sát viên này không có mặt tại toà.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: Có cơ sở khẳng định vào ngày 18-8-2022 bị đơn (người kháng cáo) và luật sư đều có mặt tại TAND tỉnh Bình Định theo giấy triệu tập. Ngoài ra, hồ sơ vụ án không thể hiện các thủ tục tố tụng như biên bản phiên tòa, biên bản nghị án (lần 2), không có ý kiến của đại diện VKS tham gia phiên tòa phúc thẩm.
Do đó, tòa cấp phúc thẩm cho rằng bị đơn không có mặt tại phiên tòa ngày 18-8-2022 để đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nói trên là không có cơ sở, trái pháp luật. Điều này vi phạm nguyên tắc xét xử hai cấp theo quy định tại BLTTDS, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự trong vụ án là Công ty Hải Đăng.
Ngoài ra, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng cho rằng một số nhận định của tòa án cấp sơ thẩm là chưa khách quan.
Từ các lý do trên, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định kháng nghị đối với quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo hướng hủy toàn bộ quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm ngày 18-8-2022 của TAND tỉnh Bình Định để xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.