VKSND TP.HCM đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án buôn lậu

(PLO)- Theo VKSND TP.HCM, bản án phúc thẩm có nhiều điểm không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án buôn lậu; việc hủy án sơ thẩm là không đúng pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND TP.HCM vừa có báo cáo đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử vụ án Lâm Thị Thu Hằng về tội buôn lậu.

Buôn lậu 12.990 kg vải trị giá hơn 1,4 tỉ đồng

Theo nội dung vụ án, ngày 30-4-2016, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP.HCM phát hiện hai xe ôtô đầu kéo chuyển hàng từ Cảng Cát Lái giao đến kho của Công ty TNHH MTV Lâm Gia Lạc do Lâm Thị Thu Hằng làm giám đốc.

Qua khám xét, Hằng xuất trình bộ tờ khai hải quan là vải từ sợi tổng hợp với số lượng 22.240 kg. Lực lượng chức năng phát hiện số lượng hàng hóa nhiều hơn khai báo là 12.990 kg (tương đương 33.774 m).

Hằng khai, do quen biết từ trước nên Hằng đã yêu cầu ông Tai (quốc tịch Đài Loan) ghi trong bộ chứng từ nhập khẩu là 22.240 kg. Ông Tai sẽ giao dư hàng và gửi email báo cho Hằng số lượng 44.180 kg. Cả hai căn cứ vào số lượng hàng thực tế về đến kho để thanh toán tiền.

Hằng thuê Võ Minh Lâm làm thủ tục hải quan nhập khẩu lô hàng với giá 10 triệu đồng/container. Theo kết luận định giá, số lượng 12.990 kg vải (tương đương 33.774 m) mà Hằng buôn lậu trị giá hơn 1,4 tỉ đồng.

Xét xử sơ thẩm ngày 28-9-2022, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Hằng 12 năm tù về tội buôn lậu. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Hằng kháng cáo. Xét xử phúc thẩm ngày 22-9-2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy án vụ buôn lậu để điều tra lại.

Bản án phúc thẩm có nhiều điểm không phù hợp

Theo VKSND TP.HCM, kết luận trong bản án phúc thẩm có nhiều điểm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án buôn lậu.

Cụ thể, bản án phúc thẩm nhận định: “Trong buổi định giá tài sản, ông Tạ Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng định giá bận nên không tham gia cuộc họp định giá ngày 12-9-2016, nhưng tại biên bản định giá thể hiện ông Vinh có tham gia Hội đồng định giá và biểu quyết nên biên bản định giá, không thể hiện đúng diễn biến của việc định giá".

VKS nhận thấy, Hội đồng định giá trong TTHS cấp thành phố đã thực hiện định giá tài sản theo quyết định trưng cầu định giá tài sản của CQĐT đúng quy định. Về mặt thủ tục, quy trình thực hiện có thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất, vì kết quả định giá là do cả hội đồng, việc khảo sát giá được hội đồng thực hiện là có thật; ông Vinh không có mặt lúc họp nhưng sau đó đồng ý kết quả và ký biên bản là phù hợp.

Tòa phúc thẩm nhận định: “Ngày 22-10-2021, hội đồng định giá đã họp và kết luận 12.990 kg vải tương đương 33.774 m, tổng giá trị hơn 1,4 tỉ đồng. Theo biên bản định giá thời gian bắt đầu phiên họp là 8 giờ 50 ngày 22-10-2021 và kết thúc vào 9 giờ cùng ngày, trong 10 phút; không thể hiện hội đồng định giá đã khảo sát giá thị trường. Tháng 6-2021 - tháng 10-2021, dịch Covid-19 phức tạp, hầu như các chợ bán vải đều đóng cửa nên hội đồng định giá không thể khảo sát giá thị trường được”.

VKS nhận thấy, thời gian trong biên bản định giá là thời gian lập sau khi tổ khảo sát giá đã khảo sát giá thị trường trước đó; các tài liệu đã gửi trước cho các thành viên, họp định giá chỉ thống nhất, không phải đi khảo sát giá lại, họp dài hay ngắn không ảnh hưởng đến kết quả định giá.

Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND TP.HCM cho phép trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống… hoạt động. Như vậy, hội đồng định giá thực hiện khảo sát giá từ 30-9-2021 đến 22-10-2021 là hoàn toàn được.

Bản án phúc thẩm cũng nhận định: “Đối tượng phạm tội là vải sợi tổng hợp Polyester tồn kho màu trắng, chưa qua sơ chế nhưng hồ sơ định giá không có mẫu vải màu trắng, đã qua sơ chế, nhuộm màu”.

Theo VKS, phía CQĐT đã đưa đúng mẫu để làm cơ sở cho hội đồng định giá khảo sát giá trên thị trường, lấy giá trung bình ba mẫu khảo sát, các phiếu khảo sát không ghi màu trắng không thể suy diễn là khảo sát loại vải khác. Hội đồng định giá phải chịu trách nhiệm về kết quả định giá, nên biên bản định giá và kết luận định giá có giá trị pháp lý và là chứng cứ.

Bản án phúc thẩm cũng cho rằng định giá theo mét là không đúng giá trị thực tế và cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Căn cứ vào tờ khai hàng hóa, vận đơn thì hàng hóa buôn lậu có giá trị 231 triệu đồng sẽ thuộc khoản 1 Điều 188 BLHS, có mức hình phạt thấp hơn.

Đối với nội dung này, VKS cho biết tại các biên bản làm việc, biên bản ghi lời khai của ông Võ Minh Lâm và Hằng, tờ khai hàng hóa đều là 1 kg = 2,6 m; giá thị trường chỉ có bán theo mét. Đây là các mặt hàng lưu thông tại thị trường Việt Nam, phải căn cứ vào kết quả định giá để xác định đúng trị giá hàng hóa buôn lậu để xác định khung hình phạt đối với bị cáo theo điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS là có căn cứ.

Bản án phúc thẩm còn cho rằng hành vi của ông Võ Minh Lâm được Hằng thuê làm thủ tục hải quan, biết rõ hai container chứa nhiều hàng hơn so với tờ khai. Khi Hằng đã yêu cầu khai báo theo đúng số lượng trên vận đơn, ông Lâm đã làm theo nên có dấu hiệu giúp sức, đồng phạm với Hằng trong vụ buôn lậu.

Theo VKS, tài liệu thể hiện ông Lâm nghi ngờ số hàng nhiều hơn chứ không biết giao dịch giữa Hằng và ông Tai và việc buôn lậu của Hằng; không có chứng cứ chứng minh Lâm giúp sức, thông đồng với Hằng. Cấp sơ thẩm không xử lý ông Lâm với vai trò đồng phạm buôn lậu là phù hợp.

Từ đó, VKSND TP.HCM đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vụ án Lâm Thị Thu Hằng buôn lậu của TAND Cấp cao tại TP.HCM theo hướng hủy án và giữ nguyên án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm