Cảnh chí sĩ Phan Đăng Lưu thời trẻ trước nỗi đau của đồng bào dưới ách thực dân.
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân Nho học yêu nước, thông thạo cả tiếng Hán lẫn tiếng Pháp.
Ngay từ thời trẻ ông đã ấp ủ hoài bảo giành độc lập, tự do, dân chủ cho đất nước, dân tộc. Ông từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong chính quyền đô hộ Pháp để tham gia Hội Phục Việt, Đảng Tân Việt, Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ông từng giữ các chức vụ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ, ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông sáng lập và điều hành các tờ báo thập niên 1930 như Sông Hương Tục Bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn chống thực dân và từng bị tù đày.
Năm 1939, ông vào Nam chỉ huy hoạt động của Xứ ủy Nam kỳ. Năm 1941, ông bị Pháp bắt và xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn cùng với nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ ngay trước thềm cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa như một sự "hừng đông" của cách mạng.
Cảnh pháp trường của những nhà chí sĩ ngay trước thềm cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa - "Hừng đông cách mạng"
Vở do Tiến sĩ - ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ chấp bút. Chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn - phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên dàn dựng và nghệ sĩ Quang Khải vào vai Phan Đăng Lưu.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết kinh phí vở diễn khoảng 1 tỉ đồng, từ nguồn kinh phí hoạt động của nhà hát và nguồn vận động tài trợ từ Vinamilk và một số doanh nghiệp khác.
Vở diễn được dàn dựng công phu, nhấn vào tính bi hùng. Để mang hơi thở cuộc sống hiện đại vào vở diễn và đem vở diễn đến gần công chúng trẻ, đạo diễn đã mời một ban nhạc đường phố tham gia vở diễn để nói lên tâm tư tình cảm của mình thông qua phát ngôn, qua tác phẩm âm nhạc do chính những bạn trẻ ấy sáng tác.
Vở phát hành vé miễn phí, khán giả có thể liên hệ Nhà hát TP.HCM để hỏi vé.