Chiều 25-12, HĐXX phúc thẩm vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo ở tội nhận hối lộ.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ, để mong được hưởng khoan hồng.
Theo ông Dũng, bản án sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu chỉ nêu tóm tắt về việc các doanh nghiệp đến gặp bị cáo, đưa tiền và bị cáo nhận; nếu chỉ nhìn như vậy thì chưa phản ánh khách quan, đầy đủ thực tế cũng như tính chất vi phạm.
Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tổ chức các chuyến bay giải cứu, bị cáo không làm gì sai phạm chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, mục đích của bị cáo là lắng nghe và tháo gỡ khó khăn nếu có, chứ không hề có ý đồ cá nhân hay vòi vĩnh gì.
Ông Dũng nghẹn ngào nói bản thân đã nhận thức rõ sai phạm của bản thân. “Đây là lỗi lầm hết sức đau đớn. Bị cáo rơi vào vòng lao lý, bị cáo rất ăn năn, hối lỗi, mong được chuộc lỗi để sớm trở về” - cựu thứ trưởng nói trong nước mắt.
Với ý thức chuộc lỗi, cựu thứ trưởng đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, đã tác động gia đình khắc phục 100% số tiền hưởng lợi bất chính cũng như nộp đủ số tiền 100 triệu đồng của hình phạt bổ sung.
Cựu thứ trưởng khai từng có 30 năm công tác với nhiều đóng góp, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen; gia đình có công với cách mạng… và mong HĐXX đánh giá toàn diện vụ án, cho hưởng mức án khoan hồng để có thể sớm trở về với gia đình, xã hội.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt Tô Anh Dũng 16 năm tù về tội nhận hối lộ, với cáo buộc nhận 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp trong quá trình cấp phép chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước.
Bà Trần Phi Nga, vợ ông Tô Anh Dũng, cũng được Tòa xét hỏi liên quan tài sản kê biên. Vừa bước lên bục khai báo, vợ ông Dũng đã không giữ được bình tĩnh, bật khóc nức nở, xin giảm nhẹ tội cho chồng.
Vợ ông Dũng cũng đề nghị được giải tỏa các tài sản bị kê biên vì toàn bộ hậu quả đã được khắc phục.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Nga kháng cáo một phần nội dung bản án, xin giải tỏa lệnh kê biên và cấm dịch chuyển nhà dự án Tây Hồ Tây và xin giải tỏa kê biên, cấm dịch chuyển và trả lại sổ đỏ nhà Bắc An Khánh.
Cùng nhóm bị cáo nhận hối lộ, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) trình bày, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục nốt số tiền còn lại hơn 400 triệu đồng và nộp số tiền 100 triệu đồng của hình phạt bổ sung.
Ông Kiên xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ như đã chủ động khai báo, ăn năn hối lỗi, thành khẩn; bị cáo tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện và thư cám ơn của các tổ chức nhân đạo; vợ bị cáo có nhiều bằng khen, là chiến sỹ thi đua.
“Kính xin HĐXX, lãnh đạo Đảng và nhân dân tha tội cho bị cáo sớm được trở về Bị cáo bị án chung thân, không biết bố mẹ bị cáo còn chờ được bị cáo trở về hay không. Xin cho bị cáo mức án tù có thời hạn để sớm được trở về làm lại cuộc đời’’ - bị cáo Kiên nghẹn ngào nói.
Ngoài ra, ông Kiên cũng xin giải tỏa kê biên tài sản là căn hộ chung cư ở Hà Nội và mảnh đất mua chung với người khác ở Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận).
Theo hồ sơ vụ án, khi thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Phạm Trung Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay giải cứu hoặc từ 500.000 ₫ồng đến 2 triệu đồng mỗi hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là 7-15 triệu đồng/người.
Từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ với tổng số tiền 42,6 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Kiên bị VKS đề nghị mức án tử hình. Sau đó, bị cáo đã tác động gia đình, khắc phục hơn 42 tỉ đồng. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án chung thân.