Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP.HCM) vừa xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa chị HTNO và anh LHMV. Dù anh V. tha thiết muốn đoàn tụ gia đình nhưng cho rằng tình trạng hôn nhân của vợ chồng họ đã không thể hàn gắn được nữa nên HĐXX chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị O., bác kháng cáo của anh V.
1. Tại phiên tòa, người yêu cầu ly hôn là chị O. trình bày: Anh chị tìm hiểu và kết hôn với nhau vào năm 2007, năm sau thì chị sinh được một bé gái. Từ năm 2009, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn do khác biệt về quan niệm sống. Anh sống thiếu trách nhiệm với gia đình, đi làm không đưa tiền cho vợ, lại còn thường xuyên ghen tuông vô cớ. Chị đã cố gắng chịu đựng nhưng anh không thay đổi. Từ năm 2010, hai người đã sống ly thân cho đến nay. Chị yêu cầu được ly hôn và được nuôi con gái chung, đồng thời không yêu cầu anh V. phải cấp dưỡng.
Trong khi đó, anh V. không đồng ý ly hôn, nói không hề có chuyện hai người ly thân từ năm 2010. Theo anh V., sau khi kết hôn chị O. bán căn tin của một cơ quan ở Củ Chi, còn anh đi làm ở TP.HCM, cách vài ngày lại chạy về Củ Chi thăm vợ con. Cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Mâu thuẫn vợ chồng chỉ phát sinh từ năm 2014, khi anh phát hiện chị O. có người đàn ông khác, còn cho người này vào sống chung trong căn tin. Thậm chí chị O. còn không cấp phiếu cho anh vào căn tin đó (căn tin nằm trong trụ sở cơ quan nên người bên ngoài muốn vào phải có phiếu giới thiệu). Mặc dù vậy, anh vẫn không muốn ly hôn và mong muốn được hàn gắn gia đình.
2. Tháng 4-2016, TAND quận Bình Thạnh đã xử sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị O. Anh V. kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh V. vẫn một mực không chịu ly hôn. “Vì tôi vẫn còn tình cảm và sẵn sàng bỏ qua tất cả lỗi lầm của vợ. Và vì tôi không có lỗi gì cả nên tôi không đồng ý ly hôn. Cô ấy không thể bỏ tôi!” - anh nghẹn ngào trình bày với HĐXX.
Chủ tọa phiên tòa lắng nghe và chia sẻ với anh V.: “Ở đây không ai nói anh có lỗi cả. Vấn đề là chị O. luôn một mực đòi ly hôn, anh hãy chấp nhận đó là sự thật. Bản thân anh cũng thừa nhận vợ anh đã có tình cảm sâu nặng với người khác. Liệu nếu HĐXX cho cơ hội hàn gắn thì anh sẽ làm gì để hàn gắn được đây?”.
Câu hỏi của chủ tọa làm anh V. ngẩn người suy nghĩ. Rồi như chấp nhận thực tế, anh gật đầu đồng ý ly hôn nhưng xin HĐXX cho anh nuôi con gái: “Tôi mất tất cả rồi, cho con gái sống với tôi để làm niềm an ủi!”.
Đứa bé từ nhỏ đã quen mẹ chăm sóc. Nay bé đã hơn bảy tuổi, theo quy định thì bé được quyền chọn sống với cha hay với mẹ. Và cuối cùng bé đã chọn sống với mẹ nên HĐXX tuyên bác yêu cầu này của anh V.
3. Được mẹ đưa đến tòa nhưng không được vào trong phòng xử, bé ngoan ngoãn ngồi ngoài chờ. Nhưng nó đã đủ lớn để biết chuyện gì đang xảy ra. Nó cứ đứng rình mãi trước cửa phòng xử án. Phiên tòa kéo dài hơn 40 phút thì nó lén mở hé cánh cửa đến năm lần để ngó vào, đôi mắt ngây thơ đầy lo lắng...
Rồi cánh cửa phòng xử cũng mở, cha nó bước ra, áp lòng bàn tay vào má nó rồi bỏ đi như chạy. Như một phản xạ tự nhiên, nó chạy theo… Bất ngờ người cha quay lại bế nó lên, ôm nó vào lòng rồi dúi tiền vào túi quần nó. Nghe người cha thì thầm gì đó, nó gật đầu lia lịa, đôi mắt ngây thơ ấy bắt đầu đỏ hoe…
Quy định liên quan Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. (Theo khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. (Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) |