Chiều 6-2, ông Hoàng Văn Nhiều, cha của anh Hoàng Trọng Nghĩa, cho biết gia đình ông vừa nhận được quyết định đình chỉ vụ án đối với con trai ông. Anh Nghĩa là người từng ba lần được TAND huyện Đồng Phú, Bình Phước tuyên vô tội trong vụ án giao thông xảy ra cách nay 15 năm.
Từ chối giám định
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, 14 năm trước, sau một vụ tai nạn giao thông khiến anh Nghĩa bị chấn thương sọ não nặng và một người chết, anh Nghĩa bị xử lý hình sự. Ba lần anh được TAND huyện Đồng Phú tuyên không phạm tội vì chứng cứ kết tội không vững chắc. Tuy nhiên, cả ba lần án sơ thẩm đều bị TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.
Điều đáng nói là trong các lần hủy án để điều tra lại hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, các cấp tòa yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề nhưng đến nay VKS vẫn không thể đáp ứng được. Lý do là vụ việc xảy ra đã quá lâu, không có ai chứng kiến vụ tai nạn...
Xử sơ thẩm lần bốn ngày 1-11-2016, TAND huyện Đồng Phú đã chấp nhận đề nghị của đại diện VKS, hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tâm thần đối với anh Nghĩa.
Ban đầu anh Nghĩa từ chối đi giám định vì lý do như anh đã trình bày trong đơn thì “Tôi không có biểu hiện của sự mất khả năng kiểm soát về lời nói. Tôi không mắng chửi kiểm sát viên và HĐXX. Thậm chí khi tôi ngồi lâu quá, mắc tiểu, tôi đã xin HĐXX cho tôi đi vệ sinh. Khi được hỏi về diễn biến của vụ tai nạn thì tôi khai rằng “Tôi không nhớ” vì vụ tai nạn xảy ra đã lâu và hoàn toàn đột ngột đối với tôi. Sau vụ tai nạn tôi bị chấn thương sọ não, làm sao tôi nhớ hết được những gì xảy ra vào thời khắc ấy. Ngay chính những người tỉnh táo khác trong vụ án cũng khai không nhớ rõ sự việc vì thời gian đã quá lâu. Nếu tôi có tội thì tôi phải đi tù, nếu tôi không có tội thì hãy minh oan cho tôi…”.
Mẹ anh Hoàng Trọng Nghĩa chở anh Nghĩa đến tòa trong hơn 10 năm qua. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Đình chỉ vì “mất năng lực nhận thức”
Chiều 15-11-2016, đại diện VKSND huyện Đồng Phú đã lập biên bản xác minh tại khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước về tình trạng sức khỏe, sinh hoạt của anh Nghĩa. Phó trưởng khu phố đã cung cấp, thể hiện trong biên bản là: “Kể từ sau khi bị tai nạn giao thông đến nay, anh Nghĩa luôn có biểu hiện không bình thường, sinh hoạt trong gia đình như một đứa trẻ, mẹ Nghĩa đi đâu thì Nghĩa đi đó, nếu đi ra ngoài thì phải có người lớn trong gia đình đi kèm, có biểu hiện mất trí nhớ”.
Kết luận giám định pháp y tâm thần đã kết luận anh Nghĩa mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi...
Quyết định đình chỉ của VKSND huyện Đồng Phú, Bình Phước nêu: “Xét thấy do bị can mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nên bản thân bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, việc xử lý hình sự đối với bị can là không cần thiết. Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 25 BLHS và Công văn 276 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng những trường hợp có lợi cho người phạm tội theo BLHS 2015, VKSND huyện Đồng Phú đã đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can”...
Như vậy là sau 15 năm mang thân phận bị can, bị cáo, cuối cùng anh Nghĩa cũng được đình chỉ điều tra. Chỉ có điều thay vì được xác định vô tội như tòa sơ thẩm từng ba lần tuyên án, anh Nghĩa lại được đình chỉ với lý do bị bệnh tâm thần. Với lý do đình chỉ này, đương nhiên anh Nghĩa không được cơ quan tố tụng xin lỗi, bồi thường oan.
“Đình chỉ theo quy định pháp luật” . Phóng viên: Thưa ông, vì sao VKS lấy lý do anh Nghĩa bị tâm thần để đình chỉ vụ án trong khi đến nay Viện vẫn chưa chứng minh được anh Nghĩa có hành vi phạm tội? + Ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước: Vụ án Hoàng Trọng Nghĩa vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ kéo dài từ năm 2002 đến nay. Ba lần xử sơ thẩm, TAND huyện Đồng Phú tuyên bố bị can Nghĩa không phạm tội; TAND tỉnh Bình Phước cũng đã ba lần tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Quá trình điều tra lại, CQĐT và VKS đã thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ xác định anh Nghĩa đã có hành vi điều khiển chiếc mô tô vi phạm quy định giao thông, gây hậu quả làm chết một người và tiếp tục ban hành cáo trạng truy tố anh Nghĩa ra tòa. Khi xử sơ thẩm lần thứ tư và các lần xét xử trước đó cũng như quá trình điều tra, khi xét hỏi anh Nghĩa về diễn biến sự việc xảy ra, anh Nghĩa đều không nhớ và không trả lời được các câu hỏi. HĐXX TAND huyện Đồng Phú đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu xác định tình trạng tâm thần của anh Nghĩa. Sau đó, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã kết luận: “Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Hiện nay đương sự mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”. Từ lý do và căn cứ này, VKSND huyện Đồng Phú đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án theo Điều 25 BLHS là theo quy định của pháp luật. . Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự anh Nghĩa có gây oan cho anh hay không? + Từ ngày 8-12-2004 đến 22-9-2005, VKSND tỉnh Bình Phước đã cho anh Nghĩa đi chữa bệnh bắt buộc vì bị bệnh tâm thần. Sau đó, cơ quan giám định tâm thần xác định anh Nghĩa có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc phục hồi điều tra vụ án để tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng hai cấp tại tỉnh Bình Phước là có căn cứ, đúng pháp luật. Thời điểm hiện tại, anh Nghĩa mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nên phải đình chỉ điều tra như chúng tôi đã trả lời trên. _______________________________ Kết thúc chuỗi ngày khổ ải… Con mình cũng là nạn nhân, bên kia cũng là nạn nhân. Suốt 15 năm đằng đẵng, hai bên đều khổ sở. Con tôi từng là bí thư đoàn, được quy hoạch, được cho đi học lớp lý luận chính trị; sau khi bị tai nạn, tương lai nó thành con số 0. Vụ án đã được đình chỉ, tuy không thể trắng đen rõ ràng tình trạng pháp lý cho con tôi nhưng cũng kết thúc được chuỗi ngày khổ sở tới lui tòa án và VKS. Nhà nước cũng đỡ mất tiền bạc vào những việc kéo dài không đáng. Ông HOÀNG VĂN NHIỀU, cha của anh Hoàng Trọng Nghĩa |