Vụ án Âu Vững Bạc Liêu: Trả hồ sơ vì thiếu người thực hành tội phạm

(PLO)- HĐXX đồng tình với các luật sư rằng, không thể có chuyện khởi tố người chủ mưu mà không thấy có bóng dáng rõ ràng của những người trực tiếp thực hành hành vi phạm tội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến cuối giờ chiều 12-4, HĐXX TAND thành phố Cà Mau đã tuyên trả hồ sơ "Vụ án Âu Vững Bạc Liêu" để điều tra bổ sung 3 tình tiết quan trọng, trong đó có tình tiết phải làm rõ những ai đã thực hành việc hủy hoại tài sản.

HĐXX đồng tình với các luật sư rằng, không thể có chuyện khởi tố người chủ mưu mà không thấy có bóng dáng rõ ràng của những người trực tiếp thực hành hành vi phạm tội.

Nữ đại gia thủy sản dính án vì 23 triệu đồng

Bị cáo Âu Ngọc Vững, sinh 1968, ngụ ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất khẩu thuỷ sản Âu Vững, ở Bạc Liêu. Bà này hiện đang điều hành 4 nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu ở Bạc Liêu và từng nổi tiếng vì bao máy bay để rước dâu cho đám cưới con trai mình.

Vụ_án_âu_vững_bạc_liêu_1.jpg
Phiên xử sơ thẩm vụ án Âu Vững Bạc Liêu chiều 12-4-2024. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo cáo trạng, cho rằng ông C, một người bà con xa với mình ở khóm 9, phường 6, TP. Cà Mau có hành động xây dựng lấn chiếm để có ưu thế trong việc tranh chấp ranh đất, bị cáo Vững thuê người đến hạ 3 cây dừa, 2 cây sao, đào xới làm hư hỏng lối đi dài 57,3m, đập gãy 2 trụ bê tông, một bức tường để dựng trụ ranh đất.

Sự việc xảy ra ngày 18-4-2021, ngay ngày hôm sau, phía ông C. tố giác hành vi huỷ hoại tài sản của bị cáo Vững.

Gần 2 năm sau, tức đến ngày 5-4-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cà Mau khởi tố vụ án. Hơn 3 tháng sau, vào ngày 7-7-2023, bà Vững bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Kết quả định giá tài sản bị cho là bà Vững đã huỷ hoại gồm 3 cây dừa lão 40 tuổi, mỗi cây 700 ngàn đồng. Hai cây sao cùng 7 năm tuổi nhưng một cây định giá 70.000 đồng, cây kia 200.000 đồng. Bà cũng bị cáo buộc đã đào bới làm hư hỏng lối đi ra khu nhà mồ của gia đình ông C. dài 57,3m, đập gãy 2 cột bê tông, đập hỏng 1 bước tường dài 0,7m x 2m. Tổng thiệt hại tài sản trong vụ án này được kết luận là hơn 23,6 triệu đồng.

Chỉ có người chủ mưu, không có người thực hiện

Cáo trạng xác định vụ án chỉ có một bị can duy nhất là bà Âu Ngọc Vững, với cáo buộc bà Vững đã thuê người đến cưa hạ dừa, sao, đào bới lối đi, đập phá cột bê tông, bức tường... Do xác định những người trực tiếp làm thuê cho bà Vững không biết được tình trạng tài sản, chỉ làm thuê ăn tiền công nên Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.

Vụ_án_Âu_Vững_Bạc_Liêu_2.jpg
Những tảng đá do bị cáo Vững thuê người gỡ lên để cấm trụ bê tông làm ranh đất. Ảnh: TRẦN VŨ

Tình tiết tranh luận gay cấn trong phiên xử sơ thẩm ngày hôm nay là những người đã thực hành việc đập phá huỷ hoại tài sản. Luật sư cả hai phía bị cáo và bị hại đồng thống nhất nhận định, cáo trạng đã không chỉ ra một cách rõ nét, thuyết phục những người đã thực hành hành vi phạm tội.

Luật sư phía bị hại cho rằng, không thể chỉ có người chủ mưu, phải có người thực hiện mới có hành vi phạm tội. Từ đó, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để làm rõ dấu hiệu phạm tội có tổ chức, làm rõ vai trò đồng phạm của những người đã trực tiếp huỷ hoại tài sản của ông C.

Tương tự, luật sư phía bị cáo cũng đề nghị trả hồ sơ làm rõ những người nào đã thực hành hành vi đập phá tài sản, vì chỉ khi có người thực hành thì mới có tội phạm diễn ra.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xử cho rằng, đã xác định người thực hành rõ, đó là 3 người được mời tới phiên toà hôm nay, không còn ai khác. Tuy nhiên, tại phiên toà, cả 3 người này khẳng định chỉ làm thuê cho bị cáo Vững ở các công việc là cưa hạ hai cây dừa, di chuyển những khối đá tảng trên một đoạn lối đi để dọn chỗ cho bà dựng trụ bê tông đúc sẵn làm ranh. Các khối đá này còn nguyên vẹn, có thiệt hại cũng không đáng kể.

Viện kiểm sát cho rằng, 3 người này đã có lời khai trong vụ án thừa nhận đã thực hiện toàn bộ công việc cắt hạ cây cối và đào xới lối đi như trong cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, viện kiểm sát không dẫn chứng một bút lục nào thể hiện các lời khai đó.

Luật sư phía bị cáo còn cho rằng, đoạn lối đi 57,3m được xây dựng với 4 loại vật liệu khác nhau nhưng cơ quan thẩm định giá đã cào bằng tính giá 213.000 đồng/m2, không trừ lại giá trị những viên gạch, đá còn nguyên vẹn là chưa đúng quy định theo Nghị định số 30 của Chính phủ. Ngoài ra, các luật sư còn đặt ra nhiều vấn đề khác về cơ sở pháp lý chứng minh sở hữu các tài sản này, vì hồ sơ thể hiện nó nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị hại C.

Đọc bản luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Vững phạm tội huỷ hoại tài sản. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng do phạm tội lần đầu, hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội, phạm tội ít nghiêm trọng... đề nghị HĐXX tuyên mức án cho bị cáo Vững là cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm.

HĐXX nhiều lần yêu cầu phía Viện kiểm sát tranh luận với các luật sư cả hai bên về "người thực hành", về cơ sở pháp lý định giá, về 3 đoạn clip do bị hại cung cấp đã không có trong hồ sơ mà các luật sư nhận được. Cuối cùng, sau khi nghị án khoảng 20 phút, HĐXX tuyên trả hồ sơ để làm rõ 3 vấn đề.

Thứ nhất là làm rõ từng người thực hành từng phần việc bị cáo buộc là huỷ hoại tài sản; thứ hai là vấn đề định giá tài sản và cuối cùng là vấn đề 3 đoạn clip do bị hại cung cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm