Tại kết luận điều tra giai đoạn 2, khoảng năm 2018, Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được cấp dưới báo cáo về tình trạng bế tắc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trương Mỹ Lan đã đồng ý chủ trương, chỉ đạo phát hành trái phiếu khống để có nguồn xử lý nợ và giúp SCB vượt qua giai đoạn khó khăn.
CQĐT kết luận, từ năm 2018-2020, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo thông qua 4 pháp nhân gồm Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra. Loại trái phiếu phát hành là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tổng giá trị 25 gói trái phiếu này là hơn 30.869 tỉ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư. Số tiền thu được, nhóm Trương Mỹ Lan không dùng đúng mục đích phát hành trái phiếu nên hiện chưa thể khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra hành vi lừa đảo nêu trên, CQĐT xác minh về trách nhiệm của cơ quan quản lý gồm Ủy ban Chứng khoán (UBCK) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Luật Chứng khoán không quy định về việc chào bán trái riêng lẻ (trái phiếu, cổ phiếu) của các công ty không phải là công ty đại chúng. Việc thực hiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của các công ty không phải đại chúng thực hiện theo quy định của tại Luật Doanh nghiệp và được hướng dẫn tại các nghị định riêng.
Tại thời điểm đó, Luật Chứng khoán quy định công ty đại chúng là doanh nghiệp đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: đã chào bán cổ phiếu ra công chúng; có cổ phiếu được niêm yết; có ít nhất 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng trở lên.
Các công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra không phải là công ty đại chúng nên không thuộc phạm vi quản lý, giám sát, thanh tra và chấp thuận cho phép phát hành trái phiếu của UBCK cùng HNX.
Pháp luật cũng không có quy định nào buộc 2 đơn vị này giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và sử dụng tiền đúng mục đích phát hành.
Từ ngày xảy ra vụ án đến nay, UBCKNN và HNX có hoạt động thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán liên quan việc tư vấn, phát hành trái phiếu cho nhóm thuộc Vạn Thịnh Phát và đã xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp có vi phạm.
“Chưa có thông tin, tài liệu, chứng cứ thể hiện sự thông đồng, móc ngoặc, bảo kê hoặc biết sai phạm nhưng bỏ mặc cho 4 doanh nghiệp phát hành trái phiếu của UBCKNN và HNX” - bản kết luận điều tra nêu.
CQĐT cũng chỉ ra rằng, các quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực phát hành trái phiếu như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCKNN… còn chung chung, chưa chặt chẽ; chưa cụ thể về việc kiểm tra, giám sát quá trình tạo lập trái phiếu và sử dụng tiền bán trái phiếu đúng mục đích.
Do vậy, CQĐT chưa có căn cứ xem xét trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức liên quan thuộc UBCKNN và HNX trong việc phát hành trái phiếu của nhóm Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra.
Tại kết luận điều tra, CQĐT cũng kiến nghị các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát còn dư nợ trái phiếu, có tài sản đảm bảo (ngoài 25 gói trái phiếu bị xác định lừa đảo) cần phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI và SCB khẩn trương xây dựng giải pháp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các trái chủ.
UBCK và HNX cần có biện pháp giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc trả nợ trái phiếu.
Bên cạnh đó, CQĐT kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Từ đó, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của các tổ chức phát hành.