Trình bày trước HĐXX, nguyên kế toán trưởng Ngân hàng Đại Tín Trần Thị Hồng Phương khai về chủ trương bà không được bàn và phòng kế toán cũng vậy.
“Khi có biên bản đưa xuống thì chúng tôi thực hiện, gồm biên bản HĐQT và nghị quyết. Đầu tiên để chuyển tiền đi thì tôi không biết và không trực tiếp làm. Thời điểm cuối năm 2011, tôi bị động thai nên nằm ở nhà. Mặc dù là kế toán trưởng nhưng mọi việc phải duyệt qua phó tổng rồi mới hạch toán. Tôi chỉ có quyền xem xét về mặt hạch toán chứ không có quyền ký đưa tiền ra khỏi ngân hàng” - bà Phương nói.
Nguyên kế toán trưởng Ngân hàng Đại Tín Trần Thị Hồng Phương. Ảnh: YC
Cũng theo bà Phương, quy trình mua phê duyệt tài sản được thực hiện như sau: Ở phòng tài sản, trực tiếp là phòng tài chính sẽ phê duyệt, khi đó mang lên cho bà kiểm tra có đúng không rồi trình lên cho phó tổng là chị Trinh.
Bị cáo Lâm Hồng Trinh (nguyên thành viên HĐQT, phó TGĐ Ngân hàng Đại Tín) khai bà phụ trách hành chính nhân sự, chi tiêu nội bộ. Nhưng hạn mức là dưới 100 triệu đồng, nếu trên thì phải xin tờ trình của TGĐ và HĐQT.
Phòng hành chính quản trị phụ trách về việc mua bán. Trên cơ sở nghị quyết của HĐQT, sau khi phòng hành chính xem xét hồ sơ rồi chuyển qua kế toán. Bà là người cuối cùng xem qua hồ sơ. Bà phê duyệt trên cơ sở biên bản họp HĐQT và tờ trình của GĐ.
Bị cáo Lâm Hồng Trinh đang khai báo về quá trình ký tên phê duyệt. Ảnh: YC
Bà Trinh cũng xác nhận các hành vi trong cáo trạng nêu là đúng. “Bị cáo khi làm việc với CQĐT thì được xem các tài liệu. Lúc đó bị cáo thấy mình đã sai và xin nhận lỗi. Tuy nhiên, trong lúc xem xét hồ sơ bị cáo thấy có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước, có sự thẩm định giá và có nghị quyết của HĐQT. Bị cáo nhận thức kém nên khi thấy tất cả thành viên khác đã ký hết, bị cáo cũng ký theo” - bà Trinh nói thêm.
HĐXX hỏi lại bà Phương “Vậy thì tiền nằm ở đâu?”.
Bà Phương trả lời không nhớ, bà sẽ xem lại đến chiều trả lời HĐXX.