Chiều 29-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử đại án liên quan đến bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi) cùng đồng phạm bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái... Phiên tòa bắt đầu với phần tranh luận của VKS.
Theo VKS, các luật sư (LS) bào chữa cho bà Phấn nêu nhiều ý kiến, nhiều nội dung, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; vấn đề định giá tài sản căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch; căn cứ để buộc tội bị cáo và các đồng phạm là chưa chính xác, số liệu trong hồ sơ vụ án còn bị sai lệch…Từ các căn cứ nêu trên, các LS đề nghị hủy án để điều tra, xét xử lại.
VKS cho rằng về tố tụng, LS cho rằng HĐXX có 3/5 người đã tham gia phiên xử trước đó ra quyết định khởi tố vụ án này. Sau đó, các thành viên này lại là HĐXX xét xử các bị cáo là không khách quan. Theo VKS, HĐXX có quyền khởi tố vụ án, trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành ba quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó. Từ đó, VKS khẳng định HĐXX vụ án này là đúng quy định.
Về việc điều tra viên, kiểm sát viên có vi phạm trong việc lấy lời khai, VKS thừa nhận trong quá trình điều tra có sai sót, nhiều bản cung trùng khớp,… Tuy nhiên, Viện khẳng định đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng, không gây sai lệch về nội dung các bản cung, không có dấu hiệu ép cung gây bất lợi cho bị cáo… Tại tòa, không có bị cáo nào từ chối hay bác bỏ lời khai của mình, chỉ có bị cáo Loan tại phiên sơ thẩm thay đổi lời khai vì cho rằng khi CQĐT lấy lời khai, sức khỏe không tốt do đang mang thai nhưng quá trình điều tra, CQĐT đều hỏi về sức khỏe và tại phiên phúc thẩm bị cáo Loan thừa nhận hành vi phạm tội.
Về việc LS cho rằng cấp sơ thẩm không chấp nhận chứng cứ là chiếc USB chứa đoạn ghi âm do LS cung cấp là không minh bạch, không khách quan trong khi chứng cứ này quan trọng và phù hợp với các chứng cứ khác. VKS cho rằng USB không đảm bảo theo quy định tại Điều 88, Điều 105 BLTTHS 2015. Trong phần bào chữa, LS cho rằng đã nhận tài liệu này từ bà Phấn, sau đó đến phiên tòa sơ thẩm giao nộp cho HĐXX, như vậy việc giao nhận không đảm bảo yếu tố theo quy định. Cũng theo các LS, sau khi xử sơ thẩm, bị cáo Phấn kháng cáo đề nghị HĐXX xem xét USB này là chứng cứ do bị cáo cung cấp. Tuy nhiên, nội dung đơn kháng cáo bị cáo Phấn chỉ là người điểm chỉ vào đơn, dưới sự chứng kiến của em bị cáo Phấn, đơn do người khác soạn thảo. Do vậy không phản ánh được thực chất ý chí của bị cáo Phấn nên việc giao nộp này không có căn cứ để chấp nhận.
VKS tranh luận tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình: YC
Về việc vắng mặt của bị cáo Phấn, hiện nay bị cáo đã 71 tuổi, đang điều trị bệnh, sức khỏe theo giám định bị mất 93%. Do vậy, VKS cho rằng không áp giải bị cáo đến phiên tòa là đúng theo Điều 127 BLTTHS. Việc vắng mặt bị cáo Phấn không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án bởi bị cáo đã có lời khai, các lời khai có sự tham gia của LS. Mặt khác, ngoài lời khai của bị cáo thì còn có các lời khai của những bị cáo khác cùng những chứng cứ khác nên việc xử vắng mặt là đúng quy định.
Về vấn đề quá trình định giá và kết luận định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, VKS cho rằng đã thực hiện theo đúng quy định.
Về hành vi mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đã bị xử phạt hành chính về việc mua bán vượt mức tài sản cố định của Ngân hàng Đại Tín theo quy định nhưng tiếp tục bị xử lý về hình sự là không thỏa đáng. Theo VKS, quyết định xử phạt hành chính năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước phạt hành chính Ngân hàng Đại Tín, như vậy quyết định này chủ thể bị xử phạt là pháp nhân, quyết định này không xử lý bất kỳ cá nhân nào thực hiện hành vi đã nêu trên. Các cá nhân của Ngân hàng Đại Tín có hành vi vi phạm trong việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch chưa ai bị xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của mình, nay các cá nhân bị điều tra, truy tố, xét xử là đúng theo quy định của pháp luật.
Về việc chứng minh số tiền thực nhận của Phương Trang, VKS cho rằng đã được chứng minh tại phiên sơ thẩm, việc sử dụng phương pháp truy ngược dòng tiền để xác minh từng khoản thu chi, cấn trừ là có căn cứ...
Đối đáp, LS bà Phấn cho rằng cấp sơ thẩm xử vắng mặt bà Phấn là vi phạm Điều 290 BLTTHS nhưng VKS tranh luận không chỉ ra được chỗ nào là đúng pháp luật. Toàn bộ quá trình xét xử sơ thẩm không hề thẩm vấn khoản tiền mà Phương Trang thực nhận, khoản tiền quy kết do bị cáo Phấn cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân hàng...
LS bào chữa cho bà Phấn cho rằng nếu VKS cho rằng đơn kháng cáo của bị cáo Phấn, bà Phấn chỉ là người điểm chỉ vào đơn, dưới sự chứng kiến của người khác, đơn cũng do người khác đánh máy nên không phản ánh được ý chí của bị cáo nên bác bỏ ý kiến của LS. LS cho rằng nếu đã nghi ngờ tại sao VKS không kiểm tra lại năng lực, tình trạng sức khỏe của bà Phấn để xem bị cáo có thực sự kháng cáo hay không? LS cho rằng ý kiến của VKS là phiến diện, chủ quan. LS vẫn cho rằng USB này là chứng cứ quan trọng nhất trong vụ án nhưng VKS vẫn cố tình bỏ qua.
...
Phiên tòa tạm nghỉ, ngày mai sẽ tiếp tục đối đáp.