Vụ bắt thẩm phán nhận ‘chạy án’: Xử án treo có đúng luật?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 31-8, Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam thẩm phán Trương Vi Văn (TAND huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) về tội nhận hối lộ. Cạnh đó, CQĐT cũng khởi tố, bắt tạm giam Vy Tuấn Anh (ngụ huyện Đạ Huoai) về tội làm môi giới hối lộ.

Cho hưởng án treo sau khi nhận tiền?

Theo hồ sơ, tháng 7-2014, ông Nguyễn Trần Quân lái xe tải 3,5 tấn trên quốc lộ 20 hướng từ TP.HCM đi Đà Lạt. Đến thị trấn Mađaguôi (Đạ Huoai), thấy phía trước có chiếc xe tải đậu sát lề phải và phía ngược chiều không có xe, ông Quân đánh lái sang phần đường ngược chiều để vượt. Cách đuôi xe tải 2 m, ông Quân mới phát hiện phía trước có xe máy do một người đàn ông điều khiển đi loạng choạng từ bên trái đường sang bên phải rồi chạy trở về lề bên trái. Ông Quân đạp thắng nhưng do khoảng cách quá gần, xe của ông Quân đã đụng phải xe máy khiến người lái xe máy tử vong.

Tháng 8-2014, ông Quân bị khởi tố, bắt tạm giam, sau đó bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 BLHS (bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm).

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 31-10-2014 của TAND huyện Đạ Huoai do thẩm phán Văn làm chủ tọa, HĐXX đã nhận định việc bị cáo đi lấn làn đường ngược chiều gây tai nạn thể hiện ý thức chủ quan, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã cùng chủ xe bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại cho gia đình nạn nhân; bà ngoại bị cáo có công với cách mạng; đại diện của nạn nhân có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ngoài ra, nạn nhân cũng có một phần lỗi là chạy xe không đúng làn đường quy định, loạng choạng.

 
Trụ sở TAND huyện Đạ Huoai, nơi thẩm phán Văn làm việc. Ảnh: T.TÙNG

Đại diện VKS huyện đề nghị HĐXX phạt bị cáo từ 12 tháng tù treo đến 15 tháng tù treo. Cuối cùng, HĐXX phạt ông Quân 12 tháng tù treo (thời gian thử thách là 24 tháng). Bản án sau đó không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật.

Trước phiên xử này, do quen biết nên gia đình ông Quân đã nhờ Tuấn Anh móc nối với thẩm phán Văn (anh em con cô cậu của Tuấn Anh) để “chạy án”. Thông qua Tuấn Anh, ông Văn ra giá 50 triệu đồng, ông Quân xin giảm còn 30 triệu đồng nhưng không được. Khi đưa tiền cho Tuấn Anh ở một quán cà phê, người nhà ông Quân đã ghi âm, ghi hình lại. Sau đó, ông Văn đã hướng dẫn gia đình ông Quân làm nhiều thủ tục để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Sau này, gia đình ông Quân đã gửi các bằng chứng tố cáo ông Văn.

Tòa: Cho hưởng án treo là đúng!

Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin, nhiều bạn đọc thắc mắc: Theo quy định, trường hợp gây tai nạn giao thông chết người như ông Quân có được hưởng án treo hay không?

Ngày 4-9, trao đổi với chúng tôi, Phó Chánh án TAND huyện Đạ Huoai Nguyễn Thị Hà Giang cho biết TAND huyện cũng bất ngờ về việc ông Văn bị bắt. Vì CQĐT đọc lệnh bắt ông Văn ở trụ sở VKS huyện, sau đó mới gửi thông báo cho tòa biết và không khám xét nơi làm việc của ông Văn. Theo bà Giang, về nhận xét chung của anh em đồng nghiệp thì ông Văn là người hiền lành, từ trước đến nay chưa có điều tiếng gì, công tác chuyên môn tốt, năm 2014 là chiến sĩ thi đua.

Theo bà Giang, sau khi ông Văn bị bắt, lãnh đạo tòa có lấy hồ sơ vụ án tai nạn giao thông mà ông Văn làm chủ tọa phiên xử sơ thẩm ra để xem xét lại và thấy đường lối giải quyết của HĐXX là phù hợp. Việc cho bị cáo hưởng án treo cũng đúng pháp luật vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Bà Giang cũng lý giải TAND Tối cao không có hướng dẫn cụ thể về việc không cho người gây tai nạn giao thông làm chết người được hưởng án treo. Theo bà Giang, điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS) chỉ quy định chung là “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng”…

Để làm rõ hơn việc giám sát hoạt động xét xử vụ án, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ VKSND huyện Đạ Huoai nhưng lãnh đạo cơ quan này đều bận họp. Chúng tôi tìm gặp kiểm sát viên trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ án thì được trả lời là vị này bận đi học ở TP.HCM.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

“Chúng tôi rất sốc!”

Để tìm hiểu rõ hơn quá trình nhờ “chạy án”, PV đã tìm nhiều cách để liên hệ với ông Quân và gia đình nhưng chưa có kết quả. Theo hồ sơ vụ án, gia đình ông Quân đăng ký hộ khẩu tại huyện Châu Thành (Tiền Giang). Những người liên quan cho biết ông Quân và cha đến Đạ Huoai làm ăn. Ông Quân lái xe tải chở rau quả từ Đà Lạt về TP.HCM, còn cha ông Quân làm công nhân tại một công ty ở Đạ Huoai. CQĐT cho biết gia đình ông Quân đã sử dụng địa chỉ của công ty này trong đơn tố cáo ông Văn. Chúng tôi đến công ty này nhưng đại diện công ty cho biết họ không biết ông Quân ở đâu vì ông này chưa từng làm việc tại đây. Còn cha ông Quân làm công nhân cạo mủ cao su trong rừng, vài ba tháng mới về công ty một lần, không có điện thoại để liên lạc.

Trong khi đó, cha của ông Văn cho biết vợ chồng ông rất bất ngờ và sốc khi nghe tin con bị bắt bởi theo ông, Văn là người hiền lành, xưa nay chưa có điều tiếng gì. “Sáng hôm đó, nó đi làm bình thường nhưng đến khoảng 10 giờ sáng thì công an thị trấn mang giấy đến nhà báo là nó bị bắt. Cả nhà sững sờ, mấy hôm nay không ai ăn ngủ được, nấu một lon gạo mà chẳng ai muốn ăn” - cha của ông Văn buồn rầu. Ông kể ông Văn sinh năm 1978, mới làm thẩm phán vài năm, có vợ làm kế toán, hai vợ chồng mới chỉ có một con. Cả nhà ông Văn sống chung với cha mẹ chứ chưa có nhà riêng...

Không cấm cho hưởng án treo

Trong nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, văn bản mới nhất hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS, không có điều khoản nào quy định người gây tai nạn giao thông làm chết người thì không được hưởng án treo. Do vậy, bị cáo trong án tai nạn giao thông vẫn có thể được hưởng án treo nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 60 BLHS và Nghị quyết số 01/2013: Bị phạt tù không quá ba năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng; có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng…

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn
Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm