Sáng 22-7, sau một ngày xét xử, TAND thị xã La Gi (Bình Thuận) đã tuyên phạt bị cáo Đặng Quốc Khanh (nguyên giám đốc Trung tâm Dạy nghề thị xã La Gi) 12 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Có lớp học, có chi tiền
Trước đó, trong ngày xử thứ nhất (21-7), phiên tòa kéo dài đến 20 giờ đêm mới tạm nghỉ sau khi xong phần tranh luận. Có 23 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là cán bộ trung tâm dạy nghề và một số giáo viên đã tham gia dạy các lớp do trung tâm tổ chức) được tòa triệu tập.
Theo VKS, trong quá trình làm giám đốc, năm 2009-2011, bị cáo Khanh đã có sai phạm trong nguyên tắc quản lý tài chính đối với số tiền hơn 302 triệu đồng. Trong đó bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước gần 7,2 triệu đồng, số tiền còn lại (hơn 295 triệu đồng) bị cáo chưa gây thiệt hại nên không xem xét. Đại diện VKS cho rằng bị cáo Khanh đã quyết toán số tiền gần 7,2 triệu đồng nên đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền này.
Tuy nhiên, bị cáo Khanh không đồng ý và khẳng định số tiền trên là tiền chi cho ba giáo viên đã giảng dạy và những người này đã ký nhận tiền. Theo bị cáo, các lớp học nghề do trung tâm tổ chức là có thật và các lớp này đều đã hoàn thành chương trình đào tạo. Việc lập hồ sơ quyết toán cho người này nhưng người kia nhận tiền là bình thường vì giáo viên dạy thay với nhau nhưng người nào ký hợp đồng giảng dạy thì người đó phải ký vào phiếu chi. Việc thanh toán tiền dạy thay do các giáo viên tự thỏa thuận với nhau. Việc này không thể gọi là lập khống hồ sơ được.
Để buộc tội bị cáo Khanh gây thiệt hại 7,2 triệu đồng, tòa phải mời đến 23 người liên quan. Trong ảnh: Ông Khanh và những người liên quan đang nghe tuyên án. Ảnh: HT
“Không có động cơ vụ lợi”
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn nhưng lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 7,2 triệu đồng. Vì vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Từ đó Viện đề nghị phạt bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù.
Bào chữa cho bị cáo Khanh, luật sư Lê Quang Y cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo không phản ánh tập trung vào nội dung truy tố mà lại nêu lòng vòng các hành vi, con số mà chính Viện đã kết luận bị cáo chưa gây thiệt hại cho Nhà nước. Đồng thời, HĐXX cũng không tập trung vào các tình tiết chứng minh tội phạm đối với hành vi gây thiệt hại 7,2 triệu đồng của bị cáo đối với Nhà nước.
Theo luật sư Y, cáo trạng truy tố bị cáo Khanh tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không có căn cứ, không đúng pháp luật. Thứ nhất, quá trình điều hành, chỉ đạo công việc, bị cáo Khanh không hề lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ. Thứ hai, theo luật, dấu hiệu bắt buộc của tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn…” là người phạm tội phải “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa không chứng minh được bị cáo Khanh đã tư lợi, vụ lợi gì, cũng không có động cơ cá nhân nào để làm trái công vụ.
Ngoài ra, luật sư cho rằng số tiền quy buộc đã gây thiệt hại gần 7,2 triệu đồng cũng không hề thất thoát, thiệt hại như cáo trạng truy tố. Số tiền này đã được chi trả cho giáo viên theo đúng kế hoạch và có người nhận cụ thể. Từ đó luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Khanh không phạm tội.
Lấy động cơ của cái này để buộc tội cái kia
Theo cáo trạng, bị cáo đã gây thiệt hại gần 7,2 triệu đồng. Trong bản án, tòa cũng thống nhất khoản thiệt hại này. Thế nhưng thay vì làm rõ động cơ vụ lợi (dấu hiệu bắt buộc để kết tội bị cáo) liên quan đến khoản tiền này, tòa lại chứng minh động cơ vụ lợi liên quan đến số tiền chưa gây thiệt hại rồi kết tội bị cáo gây thiệt hại… gần 7,2 triệu đồng.
Cụ thể, khi tuyên án tòa nhận định bị cáo Khanh đã khoán định mức thù lao dạy học, chia cho cán bộ trong trung tâm số tiền chênh lệch và bản thân bị cáo cũng được chia 23 triệu đồng. Ngoài ra bị cáo chi 39 triệu đồng cho bà H. với nội dung mua vải cho trung tâm nhưng thực tế không mua. Theo tòa, đây chính là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi.
Từ đó tòa cho rằng cáo trạng truy tố có cơ sở và đúng pháp luật nên đã tuyên mức án như trên.
HỒNG TÚ
Có đến mức xử lý hình sự? Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 2012, thanh tra kết luận từ năm 2009-2011, với cương vị là giám đốc Trung tâm Dạy nghề thị xã La Gi, ông Khanh đã có sai phạm trong quản lý tài chính, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 302 triệu đồng. Từ đó cơ quan điều tra khởi tố ông Khanh về tội tham ô tài sản. Sau đó qua giám định tài chính, số tiền trung tâm gây thiệt hại chỉ còn 43,2 triệu đồng, những khoản tiền khác chưa gây thiệt hại cho Nhà nước. Do vậy cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh đối với ông Khanh sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chưa hết, qua xác định lại, trong số tiền 43,2 triệu đồng có 36 triệu đồng tiền thuê xe phục vụ công tác cho trung tâm. Do vậy cuối cùng cơ quan tố tụng xác định bị cáo Khanh trong ba năm gây thiệt hại gần 7,2 triệu đồng cho Nhà nước. Xét hỏi kiểu buộc tội Một điều đáng nói là tại phiên tòa, cách xét hỏi của thẩm phán chủ tọa đã khiến người nhà bị cáo và những người tham dự không đồng tình. Tòa đặt nhiều câu hỏi mang tính mặc định bị cáo đã phạm tội rồi. Ví dụ: “Ngoài những sai phạm nãy giờ, bị cáo còn sai phạm nào nữa?”; “Phải có tác động gì người ta mới làm vậy?”; “Làm gì có chuyện một lớp có hai giáo viên dạy cùng lúc?”; “Ngoài sai phạm kiểm sát viên vừa nêu, bị cáo có sai phạm gì nữa thì khai ra”. Đây là hình thức xét hỏi mang tính dồn ép bị cáo, trong đó chủ tọa làm thay việc buộc tội của VKS. |