Ngày 13-11, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tiếp tục phiên tòa xử vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh. Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX phạt Lê Minh Phát (24 tuổi, công an viên xã Vạn Long) từ năm năm đến năm năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích, sáu đến chín tháng tù về tội bắt người trái pháp luật (tổng hợp hình phạt từ năm năm sáu tháng đến sáu năm ba tháng tù). Bị cáo Lê Ngọc Tâm (31 tuổi, công an viên xã Vạn Long) bị đề nghị từ sáu đến chín tháng tù treo về tội bắt người trái pháp luật, Lê Tấn Khỏe (15 tuổi, ngụ xã Vạn Long) hai năm sáu tháng đến hai năm chín tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Phải chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân
Công tố viên nhận định: “Đây là vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và bắt người trái pháp luật; hai tội danh khác nhau nhưng có mối quan hệ với nhau, nguyên nhân của tội này là hậu quả của tội kia. Một vụ án lúc đầu tưởng như đơn giản nhưng cách xử lý không đúng quy trình tố tụng đã trở thành phức tạp, để lại hậu quả đáng tiếc”.
Đại diện VKS khẳng định: Dù không trong ca trực nhưng khi mới nghe một người nói thấy em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9) đi tìm Lê Tấn Khỏe để đánh, Phát không báo cho trưởng công an xã mà tự làm theo ý mình, không vì mục đích công vụ. Khi vừa tìm thấy em Thạch, Phát đã còng tay, đánh, đá, đạp vào lưng, đầu, mặt em Thạch. Khi đưa em Thạch về trụ sở công an xã, Phát tiếp tục dùng tay đánh vào ngực, sườn, đầu nạn nhân. Trong khi đó, em Thạch hoàn toàn không vi phạm pháp luật, không hề có hành vi nguy hiểm.
Hai bị cáo công an Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm đối chất tại tòa. Ảnh: TẤN LỘC
“Bị cáo Phát không có thẩm quyền bắt người, cũng không được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ nhưng đã cố tình bắt người trái pháp luật. Trong quá trình dẫn giải, bị cáo có hành vi cố ý gây thương tích đối với em Thạch nên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cái chết của nạn nhân” - đại diện VKS nói.
Đối với Lê Ngọc Tâm, VKS cũng khẳng định bị cáo này không đang vào ca trực, không được trưởng công an xã phân công, điều động nhưng đã tích cực cùng bị cáo Phát vô cớ đi tìm bắt em Thạch. Còn bị cáo Lê Tấn Khỏe cũng phải chịu trách nhiệm cùng với Phát về hậu quả do hai bị cáo này gây ra.
Bỏ lọt vật chứng quan trọng?
Trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo Khỏe đã nêu ra hàng loạt sai sót, vi phạm tố tụng và cho rằng quá trình điều tra, truy tố đã làm sai lệch nghiêm trọng bản chất vụ án. Luật sư hỏi vì sao cơ quan điều tra không coi chiếc mũ bảo hiểm của Phát đánh rơi, thu được khi khám nghiệm hiện trường là vật chứng.
“Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra đã chụp ảnh, mô tả rất kỹ thực trạng chiếc mũ bảo hiểm là có dấu vết nhưng lại cố tình bỏ ra ngoài vụ án vật chứng cực kỳ quan trọng này. Trong khi đó trước khi chết, em Thạch nhiều lần kể lại với người thân là bị Phát dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, đau quá không chịu nổi. Anh của Thạch cũng từng khai tại công an là vỏ chai nước khoáng do Khỏe ném trúng vào phía sau đầu, không gây xây xước” - luật sư nói.
Theo luật sư, kết quả giám định pháp y cho thấy vùng giữa đỉnh đầu em Thạch có ba vết tụ máu, nguyên nhân trực tiếp làm nạn nhân tử vong là tụ máu dưới màng cứng bán cầu não phải kèm nứt lún sọ thái dương phải. Cơ quan pháp y cũng nhận định các chấn thương này hầu như xảy ra cùng thời điểm. “Ngoài ra qua lời khai của các bị cáo và nhân chứng, có thể thấy rằng với những cú đấm của một võ sĩ quyền Anh như Lê Minh Phát vào đầu một đứa trẻ thì ai cũng biết hậu quả sẽ như thế nào” - luật sư nêu.
Dẫn kết quả khám nghiệm pháp y và bệnh án tại bệnh viện, các luật sư cho rằng các vết thương trên đầu nạn nhân dẫn đến chấn thương sọ não là do Phát đánh.
Luật sư đề nghị không công nhận những mảnh vỏ chai là vật chứng vụ án bởi nó do các công an viên xã Vạn Long thu thập trong khi công an viên không có thẩm quyền thu thập vật chứng. Hơn nữa, khi thu thập các mảnh vỏ chai, hiện trường đã bị xáo trộn nên vật chứng không còn đúng thực trạng và không được mô tả. “Công an viên chỉ có nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, chỉ có điều tra viên mới có thẩm quyền thu thập vật chứng” - luật sư nói.
Tranh luận, đại diện VKS nói không có quy định nào nói công an viên không được thu thập chứng cứ. “Công an xã không thể làm đầy đủ như công an tỉnh do không được đào tạo bài bản. Mong thông cảm cho vấn đề này!” - VKS nói.
Lập tức, luật sư phản bác: “Pháp luật được áp dụng thống nhất từ trên xuống. Nếu cứ thông cảm kiểu này thì sẽ xảy ra bao nhiêu vụ án oan, sai?”.
Tòa tuyên bố sáng nay (14-11) sẽ tuyên án.
Về phần dân sự, gia đình nạn nhân yêu cầu các bị cáo bồi thường 145 triệu đồng chi phí trước và sau khi em Thạch mất cùng với bồi thường về tổn thất tinh thần. Bị cáo Phát nói đã bồi thường 30 triệu đồng và sẽ bồi thường tiếp 70 triệu đồng. Trong khi đó, bị cáo Khỏe và gia đình không chấp nhận bồi thường vì cho rằng Khỏe không gây ra cái chết đối với Thạch. |