Vụ cặp đôn gốm giả cổ: Vật phẩm văn hóa hay hàng tiêu dùng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên huỷ bản án hành chính giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ ông Phạm Hoàng Việt kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến một cặp đôn gốm mua đấu giá từ Pháp về.

Hình ảnh kết quả giám định cặp đôn. Ảnh: HS

Một trong những lý do HĐXX phúc thẩm hủy án là do hồ sơ vụ án có hai bản kết luận giám định đối với tang vật, cổ vật mâu thuẫn nhau. Cụ thể, Phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM kết luận cặp đôn gốm là vật phẩm văn hóa được phép lưu hành, trong khi Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho là hàng hóa đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu. Các kết luận này chưa đủ cơ sở để quyết định, nên cần trưng cầu giám định ở cơ quan giám định cấp cao hơn... 

Một cán bộ công tác trong ngành Hải quan cho biết trong vụ án trên có hai kết luận giám định của hai cơ quan khác nhau. Trong khi Phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM kết luận cặp đôn gốm là vật phẩm văn hóa được phép lưu hành thì Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 lại cho rằng đây là hàng hóa đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu.

Vấn đề mấu chốt ở đây là cần phải xác định được cặp đôn gốm này là sản phẩm văn hóa hay là hàng tiêu dùng. Nếu là sản phẩm văn hóa thì phải theo kết quả giám định của Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM. Còn là hàng tiêu dùng thì phải theo kết quả giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.

Nhiều năm trong nghề, người này cho biết có những cái rất khó phân biệt là sản phẩm văn hóa hay hàng tiêu dùng. Ví dụ như một số mặt hàng dù có công dụng rõ ràng như bình hoa, ấm trà, bồn rửa... nhưng chỉ để ngắm thì có được xem là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng hay không. Trong vụ án trên, theo người này nếu cặp đôn gốm chỉ để ngắm thì không thể xác định là hàng đã qua sử dụng.

Theo Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), đây là một tình huống pháp lý rất hay và hiếm gặp. Theo LS Cường, kết quả giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho rằng cặp đôn gốm Cây Mai (thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa) từ thế kỷ 19 là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng. Căn cứ pháp lý theo Chương 69, phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 12/2018 của Bộ Công Thương.

Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tp.HCM căn cứ vào đây và không cho thông quan do "hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu" là vi phạm Khoản 10 Điều 14 Nghị định 127/2013 của Chính phủ. (Nếu vi phạm khoản 10 Điều 14 Nghị định 127/2013, ông Việt phải đối diện với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng).

Theo LS Cường, ban đầu, Chi cục Hải quan cũng cho rằng đây là sản phẩm văn hóa nên đã trưng cầu giám định tại Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM nhưng không hiểu vì lý do gì lại tiếp tục trưng cầu giám định tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và căn cứ kết quả này.

Điều này thể hiện việc áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc và không chính xác của Chi cục Hải quan. Bởi lẽ, cặp đôn gốm Cây Mai thuộc văn hóa phẩm như cổ vật có giá trị vật chất, văn hoá tinh thần rất cao.

Phòng kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu (Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM) cũng chỉ ra cặp đôn bằng gốm men nhiều màu, kiểu gốm Sài Gòn xưa dùng để trang trí, đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp là hàng hóa được phép nhập khẩu.

Cạnh đó, theo LS Cường mục đích của việc cấm nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng là nhằm bảo vệ môi trường và các ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa cùng loại, kém chất lượng. Còn đây là vật phẩm văn hóa lưu niệm, mang giá trị tinh thần. Vì vậy, không thể xem đây là hàng tiêu dùng thông thường đã qua sử dụng để cấm nhập khẩu theo Thông tư 12/2018 của Bộ Công Thương.

Do đó, LS Cường cho rằng bản án phúc thẩm ngoài việc hủy vì có một số vi phạm tố tụng thì nội dung cần trưng cầu giám định ở cơ quan giám định cấp cao hơn là hoàn toàn thấu tình, đạt lý.

Cấm nhập khẩu vì hàng tiêu dùng đã qua sử dụng

Theo hồ sơ, tháng 6-2018, ông Việt mua cặp đôn gốm Cây Mai, thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa từ thế kỷ 19 của nhà đấu giá Asium ở Paris (Pháp) và nhờ người thân chuyển về TP.HCM. Việc vận chuyển thông qua Công ty TNHH TNT Express Worldwide, Chi nhánh TP.HCM.

Khi cặp đôn được chuyển về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh không cho thông quan do "hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu”.
Kết quả trưng cầu giám định của Phòng kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu, Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM xác định "cặp đôn bằng gốm men nhiều màu, kiểu gốm Sài Gòn xưa dùng để trang trí, đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp là hàng hóa được phép nhập khẩu", không vi phạm Nghị định 32/2012 của Chính phủ về quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên sau đó, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho là "hàng đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu" theo Thông tư 12/2018 của Bộ Công Thương.
Ông Việt khiếu nại quyết định tạm giữ hai chiếc đôn và kết quả giám định nhưng không được. Theo Chi cục Hải quan, ông Việt đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, vi phạm Khoản 10 Điều 14 Nghị định 127/2013 của Chính phủ.
Sau đó, ông Việt khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh yêu cầu hủy bỏ các quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật; quyết định tịch thu tang vật và yêu cầu cho thông quan cặp đôn.
Xử sơ thẩm hồi tháng 6-2020, TAND TP.HCM bác yêu cầu khởi kiện của ông Việt vì cặp đôn nhập khẩu là "hàng đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm