Vụ cháu bé bị nước cuốn: Nên khởi tố vụ án?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, sau khi cháu Hoàng Xuân Hiếu (tám tuổi) bị nước mưa cuốn lọt vào cống trên đường số 4 (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương) chiều 16-10, hôm sau Công ty CP Đại Nam (đơn vị thi công và đang quản lý cơ sở hạ tầng khu trung tâm hành chính Dĩ An) mới cho người dùng thanh sắt rào chắn các miệng cống. Chiều 17-10, có mặt tại hiện trường, đại diện Công ty CP Đại Nam thừa nhận: “Công ty cũng nhận một phần trách nhiệm vì tai nạn này”. Trong khi đó, lý giải vì sao các thanh chắn rác không còn ở một số miệng cống dẫn đến tai nạn thương tâm của cháu bé, ông Nguyễn Thanh Phong (Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An) cho biết trước đây tất cả miệng cống thoát nước đều có thanh chắn rác nhưng theo thời gian, một số hư hỏng, một số bị mất cắp.

Vấn đề đặt ra là trách nhiệm kiểm tra, giám sát, duy tu, bảo dưỡng công trình của Công ty Đại Nam ra sao mà không phát hiện được những thanh chắn rác ở các miệng cống bị mất, hư hỏng để thay thế kịp thời. Hậu quả chết người đã xảy ra nên trong vụ này, các cá nhân có liên quan ở Công ty Đại Nam sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các chuyên gia và nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Chỉ bồi thường dân sự?

“Theo quan điểm của cá nhân tôi thì vụ việc này chỉ dừng lại ở mức độ bồi thường thiệt hại về dân sự chứ khởi tố vụ án hình sự là không ổn. Thông thường các trường hợp như thế này cũng giải quyết tương tự” - TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét.

Theo TS Tuấn, nếu muốn khởi tố vụ án hình sự thì trước hết phải xem có hay không dấu hiệu tội phạm và phải chứng minh được có dấu hiệu tội phạm, cụ thể ở đây là hành vi thiếu trách nhiệm hay có vi phạm quy định về xây dựng của người quản lý. Nếu Công ty Đại Nam đã làm cống với các thanh chắn rác đàng hoàng mà sau đó bị mất trộm thì khó có thể bắt người của công ty phải chịu trách nhiệm hình sự được.

Miệng cống nơi cháu Hiếu bị cuốn vào không có các thanh chắn rác (trên), ngày hôm sau Công ty Đại Nam mới  cho người làm (dưới). Ảnh: V.HỘI

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cũng nói: “Giả sử cái cống đó là một nguồn nguy hiểm thường xuyên nhưng đơn vị quản lý không làm rào chắn nguy hiểm, không cảnh báo dẫn đến chết người thì trách nhiệm hình sự sẽ rõ ràng hơn. Còn ở đây, ban đầu cái cống đã được lắp đặt an toàn, sau đó vì sự cố mưa, triều cường, trùng hợp bị mất trộm hay hư hỏng đột xuất… nên khó mà kết luận là có dấu hiệu hình sự. Chưa kể, trách nhiệm của phía người quản lý cống cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người”.

Hay chịu cả trách nhiệm hình sự?

Tuy nhiên, luật sư Chu Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng cống là do Công ty Đại Nam quản lý. Công ty phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, nếu hư hỏng, mất mát thì phải sửa chữa, khắc phục kịp thời, nhất là vào mùa mưa. Nếu không sửa chữa mà để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS). “Theo tôi, cơ quan công an cần phải khởi tố vụ án để điều tra” - luật sư Hưng nói.

Ông Nguyễn Kim Tiếng (nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) cũng đồng tình là có thể khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Hành vi thiếu trách nhiệm đã rõ khi Công ty Đại Nam xây dựng, vận hành, sử dụng cơ sở hạ tầng mà không đảm bảo an toàn. Hành vi thiếu trách nhiệm trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là cháu bé đã chết, như vậy có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Trong tội này, chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, lỗi là vô ý, trong khi hành vi khách quan là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả nghiêm trọng” - ông Tiếng nhận xét.

Còn theo luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thực tế cho thấy chỗ cháu bé bị nước cuốn là một miệng cống lớn, khi nước chảy xiết mà không có hệ thống chắn rác sẽ rất nguy hiểm cho người gần đó, không riêng gì trẻ em. Khi xảy ra hậu quả chết người như trong vụ này thì phía Công ty Đại Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Về hình sự, có thể xem xét khởi tố vụ án về hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 229 BLHS). Nếu không chứng minh được về hình sự thì Công ty Đại Nam cũng phải bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé.

Đẩy xe giúp người, gặp nạn

Sáng 18-10, thi thể cháu Hoàng Xuân Hiếu được một người đi chăn bò phát hiện tại bãi cỏ rậm cạnh vườn tràm cách dòng kênh Nhum khoảng 50 m, trong khuôn viên Trường ĐH Quốc gia TP.HCM (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An), cách hiện trường hơn 2 km. Chiều cùng ngày, gia đình đã tổ chức mai táng cháu.

Anh Võ Việt Tuấn, cha hai đứa trẻ chơi cùng cháu Hiếu chiều 16-10, cho biết chiều đó, anh em cháu Hiếu cùng hai con anh rủ nhau tắm mưa. Thấy xe máy của một phụ nữ bị chết máy phải dẫn bộ, các cháu đẩy giúp về hướng đường số 4. Khi qua đoạn gần Trường THCS Võ Trường Toản thì dòng nước chảy xiết cuốn cháu Hiếu vào cống trước, sau đó tiếp tục cuốn cháu Võ Trần Hoàng Giang (chín tuổi). Hai cháu còn lại chỉ kịp giữ tay cháu Giang lại. Khi mọi người chạy ra cứu thì cháu Hiếu đã bị cuốn trôi. “Cháu Hiếu rất ngoan, ai cũng mến. Giờ cháu gặp nạn, cả khu này ai cũng thương tiếc” - anh Tuấn xót xa.

Trong một căn nhà cách hiện trường 100 m, rất đông người dân, đoàn thể, chính quyền địa phương tập trung đến chờ vào thắp nén hương cho cháu bé xấu số. Sau hai ngày đêm ngồi bên miệng cống nơi con bị nước cuốn, mẹ cháu Hiếu đã không còn nước mắt, chỉ thều thào: “Gia đình chúng tôi đang sinh sống gần đây. Hiếu là con thứ ba trong gia đình. Cháu rất ngoan, đang học lớp 3”. Khi được hỏi về yêu cầu của gia đình đối với Công ty Đại Nam, cha cháu Hiếu cho biết: “Trước mắt gia đình phải lo hậu sự cho cháu đã”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lý Quang Đồng (Giám đốc KCN Sóng Thần 2, đại diện phía Công ty Đại Nam) cho biết tất cả miệng cống thoát nước trên đường đều có những song sắt chắn rác. Một số miệng cống không còn sắt chắn là do bị trộm phá để lấy sắt. “Để xảy ra sự việc đau lòng, phía công ty nhận một phần trách nhiệm. Trước mắt, phía công ty đã đến gia đình cháu bé chia sẻ sự mất mát, đồng thời hỗ trợ 100 triệu đồng để lo hậu sự. Đây là vụ tai nạn chẳng ai mong muốn, mong gia đình thông cảm” - ông Đồng cho biết thêm.

Tuy nhiên, nhiều người dân sống trên đường số 4 cho biết họ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị địa phương làm song sắt chắn miệng cống hở ngay trước cổng Trường THCS Võ Trường Toản để tránh nguy hiểm cho học sinh nhưng không được khắc phục.

Trước ý kiến cho rằng cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra vì đơn vị quản lý không thường xuyên kiểm tra, thay thế các song sắt bị mất ở miệng cống thoát nước, Trung tá Huỳnh Văn Thành, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, cho biết gia đình cháu Hiếu chưa có đơn yêu cầu khởi tố vụ án nên mới dừng lại ở một vụ tai nạn đáng tiếc. “Nếu gia đình có đơn yêu cầu hoặc thấy có dấu hiệu hình sự thì cơ quan công an sẽ xem xét khởi tố để điều tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, quản lý” - ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong (Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An) nói: “Theo quan điểm của cá nhân tôi thì vụ việc chưa có yếu tố hình sự. Đây chỉ là một tai nạn thương tâm mà không ai mong muốn xảy ra”.

VŨ HỘI

Bị tội vì không lắp đặt biển báo, hàng rào

Chiều 8-8-2011, anh Phạm Văn Chiêu chạy xe máy đến Km 25+300 quốc lộ 51 đoạn qua xã Long An (Long Thành, Đồng Nai). Đoạn đường này đang thi công, mặt bằng hiện hữu có độ chênh cao hơn mặt đường đang thi công 10-20 cm với độ dài 38 m nhưng đơn vị thi công không lắp đặt biển báo hiệu và hàng rào chắn nên anh Chiêu chạy xe vào phần đường đang thi công. Lốc máy xe của anh máng vào gờ đường có độ chênh 13 cm làm anh ngã ra phần đường hiện hữu bên trái rồi bị một ô tô cán trúng khiến anh tử vong.

Công an huyện Long Thành xác định trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công thuộc về Công ty TNHH MTV Thái Huy Hoàng do Huỳnh Thái Phong là đội trưởng phụ trách thi công. Phong đã không thực hiện việc lắp đặt biển báo hiệu, rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ theo quy định, dẫn đến hậu quả anh Chiêu lưu thông vào đoạn đường này, bị ngã và tử vong. Tháng 7-2013, VKSND huyện Long Thành đã truy tố Phong về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS. Hai tháng sau, TAND huyện đã phạt Phong một năm cải tạo không giam giữ về tội này.

Cũng trong năm 2011, tại xã An Phước (Long Thành) xảy ra một vụ tai nạn giao thông do tông vào rào chắn đường đang thi công làm chết một người. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do rào chắn của đơn vị thi công đặt không đúng quy định. Sau đó, Công an huyện Long Thành đã khởi tố Vũ Văn Trường (đội trưởng đội thi công thảm nhựa và làm đường) cùng Thái Đình Vũ (cán bộ phụ trách an toàn trên toàn tuyến của ban điều hành quản lý dự án) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

T.DŨNG - V.HỘI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm