Vụ cướp đò trên sông Ka Long: Bị cáo Giáp bị phạt 7 năm tù

Sáng 25-4, kết thúc phiên xử sơ thẩm (lần 2) vụ cướp đò sông Ka Long, TAND TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội) 7 năm tù về tội cướp tài sản.

HĐXX cho rằng quá trình xét hỏi công khai tại phiên toà, bị cáo Giáp không nhận tội. Tuy nhiên đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở kết luận bị cáo Giáp đã chỉ đạo nhóm 10 cửu vạn thực hiện vụ cướp đò tại khu vực Cổ Ngỗng bờ sông Ka Long (khu 4 phường Hải Hoà, TP Móng Cái) của bị hại Tống Ân Hoa, người Trung Quốc, lúc 2 giờ sáng ngày 16-12-2012.

Bị cáo Giáp tiếp tục bị phạt 7 năm tù tội cướp tài sản.

Đại diện VKS cho rằng lời khai của nhân chứng về việc bị bức cung nhục hình, bắt phải khai nhận tội, khai ra Giáp chỉ đạo đi cướp khi bị bắt ở đồn biên phòng không đủ căn cứ chứng minh.

Trước tố cáo của các luật sư cho rằng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án vì một số lời khai và bản tường trình không nhận tội của nhóm 5 cửu vạn tại Đồn biên phòng Hải Hoà trong các ngày 16 và 17-12-2012 không có trong hồ sơ vụ án, đại diện VKS cho rằng kiểm tra hồ sơ không có các tài liệu đó. Đại diện VKS phủ nhận việc các tài liệu này bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án.

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Giáp mức án 7-8 năm tù. VKS còn cho rằng do bị cáo Giáp xúi giục hứa lo cho không bị tù nên các nhân chứng là 5 cửu vạn (đã chấp hành xong bản án) phản cung cho rằng họ không đi cướp, Giáp không chỉ đạo họ đi cướp.

Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Giáp cho rằng quá trình xét hỏi, tranh luận công khai tại toà, bị cáo và nhân chứng cùng kêu oan, các căn cứ buộc tội của VKS chỉ dựa trên lời khai buộc tội đầy mâu thuẫn đều thiếu căn cứ. Theo luật sư đại diện, VKS không căn cứ vào quá trình xét hỏi, thẩm định đánh giá chứng cứ, tranh luận công khai tại toà là đi ngược lại tinh thần tranh tụng.

Các luật sư cho rằng căn cứ vào quá trình xét hỏi, tranh luận tại toà, cho thấy Giáp không chỉ đạo, nhóm cửu vạn không thực hiện hành vi cướp tài sản như cáo buộc. Từ các chứng cứ và lập luận đưa ra, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Giáp vô tội.

Tuy nhiên, theo HĐXX từ năm 2012 đến nay, nhóm 5 cửu vạn bị buộc tội cướp tài sản luôn thay đổi lời khai, lúc nhận tội, khai Giáp chỉ đạo đi cướp, lúc khai họ không đi cướp, Giáp không chỉ đạo đi cướp. HĐXX đánh giá những lời khai của các nhân chứng là các cửu vạn là không khách quan.

Lời khai nhận tội của các nhân chứng cửu vạn tại đồn biên phòng với biên bản bắt người phạm tội quả tang, tại Công an TP Móng Cái và phiên toà phúc thẩm xử nhóm năm cửu vạn mà VKS sử dụng để buộc tội là có căn cứ. HĐXX còn nhận định, nội dung tranh luận của người bào chữa cho rằng bị cáo Giáp vô tội là thiếu cơ sở nên không chấp nhận.

HĐXX kết luận, có đủ căn cứ kết luận Giáp đã chỉ đạo nhóm 10 cửu vạn mang theo kiếm, tuýp sắt đi cướp đò của bị hại Tống Ân Hoa lúc 2 giờ sáng 16-12-2012. Bị cáo Giáp đã phạm tội cướp tài sản theo như cáo buộc của VKS. Mặc dù HĐXX đánh giá bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ, chối tội nhưng đã phạt 7 năm tù, mức án khởi điểm của khung hình phạt (từ 7-15 năm).

6 căn cứ buộc tội yếu? 

Trước đó, quá trình tranh luận tại toà, luật sư bào chữa cho bị cáo Giáp, cho rằng toàn bộ 6 căn cứ là tài liệu mà VKS sử dụng để buộc tội bị cáo là thiếu căn cứ. Đặc biệt, bản án phúc thẩm xử nhóm năm cửu vạn ngày 11-9-2014 được sử dụng làm chứng cứ buộc tội là thiếu căn cứ.

Bởi lẽ, tại phiên sơ thẩm, năm cửu vạn không nhận tội bị phạt 9-10 năm tù, đến phiên phúc thẩm năm cửu vạn ban đầu kêu oan, không nhận tội, cuối phiên toà mới nhận tội thì được giảm án xuống còn 5-6 năm, tức là dưới khung hình phạt. Ngay cả cửu vạn Hồ Văn Trung không kháng cáo cũng được giảm án từ 9 năm xuống còn 5 năm tù.

Trong khi theo quy định của BLHS, phải có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ mới được áp dụng xử dưới khung. Vì vậy, việc áp dụng pháp luật như vậy là tùy tiện, thiếu căn cứ. Luật sư đề nghị cơ quan tố tụng kiến nghị xem xét lại bản án này theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm