Sáng 16-1, TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) mở phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử hai bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova) và Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container) cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 3 Điều 202 BLHS năm 1999, với khung hình phạt 7-15 năm tù.
Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm khi bị cáo Lê Ngọc Hoàng liên tục kêu oan. TAND Cấp cao tại Hà Nội từng xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên và TAND thị xã Phổ Yên.
Tuy nhiên, do vắng mặt nhiều luật sư, bị hại, nhân chứng và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, dự kiến mở lại vào ngày 13 và 14-2 tới.
Hậu quả khốc liệt từ việc lùi xe
Theo bản cáo trạng, chiều 19-11-2016, Ngô Văn Sơn điều khiển xe Innova chở theo 10 người di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Khi đi qua lối ra tại nút giao Yên Bình thuộc địa phận thị xã Phổ Yên, Sơn bật xi nhan, điều khiển xe tấp vào lề phải, dừng xe và bật đèn cảnh báo nguy hiểm để cho một cháu bé xuống nôn (ói).
Sau đó, Sơn lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội nhằm quay lại để đi ra nút giao Yên Bình. Theo lời khai của Sơn, tốc độ lùi xe lúc này khoảng 4-5 km/giờ.
Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơmoóc chở thép đi tới với vận tốc 62 km/giờ. Khi đến gần nút giao Yên Bình, Hoàng quan sát thấy phía bên phải đường có biển báo nguy hiểm “Giao nhau với đường không ưu tiên” và biển báo “Đi chậm” nhưng bị cáo không giảm tốc độ.
Hoàng khai phát hiện phía trước cùng làn đường có xe Innova cách mình khoảng 70 m, đang bật đèn thắng đỏ nhưng bị cáo không giảm tốc độ mà vẫn điều khiển xe chạy với vận tốc 62 km/giờ.
Tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng tại phiên phúc thẩm tháng 11-2018. Ảnh: TP
Khi còn cách khoảng 30 m, Hoàng phát hiện xe của Sơn đang lùi trên làn đường xe của mình. Hoàng nhìn sang trái thấy có xe đang đi đến nên không chuyển làn được. Khi còn cách xe của Sơn khoảng 10 m, Hoàng mới đạp thắng và đánh lái về phía bên phải đường.
Do khoảng cách quá gần, đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe của Sơn, đẩy đi khoảng 38 m thì dừng lại, hậu quả khiến năm người tử vong.
60 km/giờ và 62 km/giờ
Theo cơ quan công tố, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do Ngô Văn Sơn điều khiển xe trong hơi thở có nồng độ cồn, chở quá số người được phép, lùi xe ở khu vực cấm dừng, vi phạm khoản 2 Điều 16, khoản 8 Điều 8 và điểm d khoản 1 Điều 68 của Luật Giao thông đường bộ.
Trong khi đó, Lê Ngọc Hoàng không tuân thủ quy định về tốc độ chạy xe trên đường, cụ thể là không giảm tốc độ xuống 60 km/giờ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm “Đi chậm” mà vẫn di chuyển với tốc độ 62 km/giờ.
Ngoài ra, Hoàng không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT. Bởi theo sự giải thích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi Sơn điều khiển xe lùi và có bật đèn cảnh báo nguy hiểm thì thuộc trường hợp giao thông không bình thường. Khi gặp trường hợp này, Hoàng phải khẩn trương giảm tốc độ tới mức an toàn, có thể giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu và nếu nguy hiểm không thể đi được thì phải dừng lại.
Đáng chú ý, VKSND thị xã Phổ Yên cho biết một số nội dung yêu cầu điều tra lại tại quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội không thể thực hiện được. Ví dụ, xác định tình trạng kỹ thuật hệ thống thắng của xe đầu kéo và rơmoóc; với tốc độ và trọng lượng xe như trong vụ án thì khi nhấn thắng chết, xe còn di chuyển bao nhiêu mét mới dừng hẳn...
Tuy nhiên, VKS khẳng định những nội dung này không làm ảnh hưởng tới việc xác định trách nhiệm hình sự đối với Lê Ngọc Hoàng.
Quá trình điều tra, Hoàng cho rằng điều khiển xe đầu kéo khi tới nút giao Yên Bình là đi đúng tốc độ cho phép. Việc Ngô Văn Sơn lùi xe không bật đèn cảnh báo làm Hoàng không kịp xử lý thuộc sự kiện bất ngờ. Những lập luận này là không có cơ sở chấp nhận.
VKS thay đổi quan điểm buộc tội Ở phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 11-2018, cả VKS và HĐXX đều cho rằng theo Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT thì Lê Ngọc Hoàng đã vi phạm về khoảng cách an toàn giữa hai xe và không giảm tốc độ tối đa cho phép để có thể dừng lại một cách an toàn khi gặp chướng ngại vật trên đường. Ngay khi quan điểm buộc tội này được đưa ra, dư luận đã phản ứng vô cùng dữ dội. Theo phần đông ý kiến, với việc một xe đang tiến và một xe đang lùi thì yêu cầu giữ khoảng cách an toàn là điều không thể. Đến nay, cáo trạng của VKSND thị xã Phổ Yên đã loại bỏ cáo buộc Hoàng không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe, thay vào đó là những vi phạm như đã nêu ở trên. |