Trách nhiệm chứng minh của mỗi bên
Do đặc thù của hệ thống gửi giữ xe bằng thẻ từ, chiếc thẻ từ mà người gửi đang chiếm giữ không thể hiện có hay không việc gửi mà còn căn cứ vào dữ liệu trong hệ thống máy tính quản lý của bên giữ xe đang lưu trữ. Đây là mối quan hệ phức tạp trong một giao dịch đơn giản là gửi giữ xe.
Gửi giữ xe là một giao dịch dân sự theo hợp đồng, được điều chỉnh bởi BLDS. Thẻ gửi giữ xe (thẻ từ) là tài liệu chứng tỏ giao dịch thực tế giữa hai bên và làm cơ sở để xác định trách nhiệm khi có việc hư hỏng, mất mát xe xảy ra. Đối với vụ việc này, giao dịch đơn giản kia trở thành phức tạp khi phía giữ xe cho rằng dữ liệu lưu lại của hệ thống không thể hiện có gửi xe mà người gửi xe thì xác định có gửi và hiện tại đã bị mất.
Lúc này, các bên phải chứng minh cho nội dung mà mình trình bày. Phía giữ xe cung cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu vào thời điểm trước, trong và sau khi người gửi xe xác định vào gửi để chứng minh người gửi không đưa xe vào vị trí để camera chụp ảnh, đưa thẻ xe để máy đọc thẻ xác định (tức chứng minh người gửi không đưa xe vào gửi). Phía người gửi xe chứng minh hành vi có gửi xe của mình vào bãi qua việc nêu các dữ kiện tương ứng như có người làm chứng đi cùng, có người xác định vào thời điểm ấy đã thấy việc người gửi đưa xe vào...
Từ đó, tòa cân nhắc các dữ liệu đưa ra của hai bên để xác định có hay không có việc gửi xe và quy trách nhiệm cho người giữ hay người gửi xe trước thiệt hại mà người gửi xe yêu cầu. Như vậy, để giải quyết vụ việc này phải cần sự chứng minh của cả hai bên theo đúng quy định của pháp luật dân sự về nghĩa vụ tự chứng minh cho yêu cầu của đương sự.
Về phía người giữ xe, bên cạnh việc trình báo, cung cấp dữ liệu thể hiện việc liên tục của các dữ kiện tiếp nối còn phải nhờ cơ quan có thẩm quyền giám định để xác định được độ tin cậy và khách quan của dữ liệu đã cung cấp. Về phía người gửi xe, pháp luật đặt ra chế tài khi họ khai khống việc mất xe (hành vi gian dối này sẽ bị xử lý hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Vì vậy, khi xảy ra sự việc này, họ phải cân nhắc trước sự trừng phạt của pháp luật nếu thực sự gian dối.
Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Không phải trường hợp bất khả kháng
Hiện nay, nhiều bãi giữ xe công cộng đang sử dụng thiết bị lưu giữ xe bằng thẻ từ thay cho phiếu gửi xe bằng giấy. Theo đó, dữ liệu gửi xe sẽ được nhận diện bằng thẻ từ, bên giữ sẽ kiểm soát phương tiện ra - vào bằng camera và hệ thống lưu trữ trong bộ nhớ máy tính. Việc này giúp cho bên giữ xe nâng cao hiệu quả phòng, chống kẻ gian, tiện lợi trong kiểm soát, bảo quản xe của khách.
Việc chủ phương tiện đưa xe vào bãi gửi và nhận lại bằng thẻ từ đã phát sinh một quan hệ giao dịch dân sự hợp pháp, từ đó xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các bên theo Điều 13 Bộ luật Dân sự (BLDS) dưới dạng hợp đồng gửi, giữ tài sản theo Điều 559 BLDS. Theo đó, nghĩa vụ của bên giữ tài sản là phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bên giữ xe viện lý do hệ thống máy tính bị hư hỏng, không còn lưu giữ dữ liệu để né tránh trách nhiệm bồi thường. Lý do này không chính đáng vì không thuộc các trường hợp quy định về bất khả kháng được quy định tại Điều 161 BLDS.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM
Sơ đồ hệ thống một bãi giữ xe thông minh. Ảnh: HY
Không thể né trách nhiệm bồi thường
Trường hợp này khi xét xử tòa nên triệu tập thêm bên quản lý tòa nhà chung cư, đơn vị ký kết giao cho Công ty CAV giữ xe tòa nhà để làm rõ thỏa thuận về trách nhiệm của các bên như thế nào. Cạnh đó, tòa nên thu thập thêm các thông tin về quy trình quản lý gửi giữ xe áp dụng công nghệ gửi giữ hiện đại ra sao. Tòa có thể áp dụng biện pháp thu thập thêm chứng cứ về thời điểm cúp điện tại khu vực đó có đúng như phía bị đơn trình bày hay không.
Tuy nhiên, dù thế nào thì bên nhận giữ xe cũng không thể lấy lý do mất dữ liệu rồi cho rằng xe không vào bãi để không bồi thường. Bởi nếu camera chỉ bị hư vào thời điểm mất xe thì vẫn có thể thu hình việc xe vào bãi ngày hôm trước. Việc dùng hệ thống phần mềm quản lý xe vào là cách giữ xe của bên công ty nhưng họ cũng phải có những cách phòng ngừa khác để quản lý xe ra bãi khi mất điện. Khi cần thiết, tòa còn có thể nhờ cơ quan giám định độc lập kiểm tra xem các dữ liệu lưu trong thiết bị giữ xe trên có bị “can thiệp” không.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Vì sao dữ liệu bỗng nhiên biến mất?
Tôi đã tham khảo ý kiến nhiều người rành về công nghệ thông tin và về áp dụng hệ thống gửi giữ xe bằng thẻ từ. Theo đó về nguyên tắc, khi thiết kế hệ thống gửi giữ xe kiểu này, nhà thiết kế luôn tính đến yếu tố đảm bảo nguồn điện cho hệ thống hoạt động ngay cả khi cúp điện. Khi đó, ngay khi bị cúp điện, nguồn điện nội bộ (máy phát điện chẳng hạn) sẽ cung cấp điện tức thì để hệ thống hoạt động. Đặc biệt khi cúp điện, camera ghi hình có thể vô hiệu nhưng thiết bị đọc thẻ từ luôn bảo đảm có nguồn điện dự trữ để hoạt động. Không có chuyện bị cúp điện thì hệ thống ngưng hoạt động, vì như vậy chẳng lẽ trong thời gian dài bãi xe bị tê liệt, nội bất xuất ngoại bất nhập hay sao?
Từ phân tích trên, có thể thấy bên giữ xe chỉ thoát trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau: Một là bên giữ xe có bằng chứng chứng minh trước, trong và sau thời điểm mà người gửi xe cho rằng mình đã mang xe vào gửi bãi xe không hoạt động (do cúp điện hay do bất cứ lý do nào khác). Hai là khi bãi xe vẫn hoạt động, bên giữ xe chứng minh được trong thời gian ấy hệ thống dữ liệu vẫn hoạt động bình thường, vẫn lưu trữ đầy đủ; các xe khác đều vào ra bình thường trước và sau thời điểm mà người gửi xe cho rằng đã đưa xe vào nhưng riêng chiếc xe của người gửi thì không có. Trường hợp này bên giữ xe cần chứng minh hệ thống dữ liệu lưu trữ không có sự can thiệp (tẩy, xóa) nào thông qua kết luận của cơ quan giám định.
Ngược lại, bên giữ xe phải bồi thường nếu trước, trong và sau thời điểm mà người gửi cho rằng đã đưa xe vào gửi bãi xe vẫn hoạt động bình thường (các xe khác vẫn vào ra) nhưng không hiểu vì lý do gì, dữ liệu lưu trữ (của tất cả các xe, trong đó có xe của nguyên đơn) bỗng nhiên biến mất.
Luật sư TRỊNH THANH, Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo
ÁI MINH thực hiện
Camera hư một cách trùng hợp Theo hồ sơ, ông NMHT (ngụ quận 11, TP.HCM) hợp đồng gửi giữ xe ở chung cư Phú Thọ, do Công ty TNHH Phát triển CAV nhận giữ. Theo đó, sau khi cung cấp thông tin về chiếc xe SHi, Công ty CAV giao cho ông T. chiếc thẻ từ. Mỗi khi đưa xe vào gửi, ông T. đưa thẻ từ ra để nhân viên quét vô máy lưu giữ thông tin, khi đưa xe ra cũng vậy. Một ngày, ông T. xuống bãi xe nhưng không tìm thấy xe mình, ông báo với nhân viên và công an. Ông yêu cầu bãi xe cung cấp dữ liệu ghi hình để thấy rằng ông đã đưa xe vào gửi và bị mất nhưng nhân viên bãi xe hẹn hôm sau. Hôm sau, nhân viên báo rằng camera đã hư từ trước đó nên không lưu được hình ảnh ông đưa xe vào gửi. Ông T. khởi kiện yêu cầu Công ty CAV bồi thường chiếc xe, tòa sơ thẩm xử ông T. thắng kiện, buộc CAV bồi thường hơn 138 triệu đồng. Công ty này kháng cáo. Mới đây, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Do vụ án phức tạp, tòa tuyên bố nghị án kéo dài và dự kiến ngày mai (30-7) tòa sẽ tuyên án. |