Vụ nhận hối lộ tại đăng kiểm Thái Bình: Thu phí gấp 3 lần quy định

(PLO)- Các bị cáo vụ nhận hối lộ tại Côn ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giớiThái Bình thu gấp 3 lần quy định đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, phần thu thêm cho vào quỹ ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-1 tới đây, TAND tỉnh Thái Bình sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty cổ phần (CTCP) đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình.

Vụ án sẽ được xét xử trong một ngày, HĐXX gồm chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hoàn cùng 2 hội thẩm nhân dân. Đại diện VKSND tỉnh Thái Bình tham gia phiên tòa là kiểm sát viên Nguyễn Trọng Thành Đạt.

Thu tiền nhiều hơn quy định

3 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ đều là cựu cán bộ CTCP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình gồm: Bị cáo Lưu Minh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc; bị cáo Bùi Ngọc Diệp, phó giám đốc và bị cáo Tô Hồng Dương, đăng kiểm viên.

Theo VKS, hành vi phạm tội của 3 bị cáo được chứng minh bằng nhiều tài liệu, chứng cứ, trong đó có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm của các đăng kiểm viên của 2 người dân ở Thái Bình.

đăng kiểm thái bình nhận hối lộ.jpg
Các bị cáo vụ đăng kiểm Thái Bình nhận tiền hối lộ để bỏ qua trình tự, thủ tục...

Kết quả điều tra xác định, CTCP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình được thành lập dựa trên cơ sở cổ phần hóa Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Thái Bình, thuộc Sở GTVT Thái Bình. Công ty có hai đăng kiểm viên là ông Bùi Ngọc Diệp và ông Tô Hồng Dương.

Từ tháng 5-2020, ông Lưu Minh Hải tiếp quản điều hành CTCP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình. Sau khi ông Hải nhận chức, ông Diệp đã báo cáo về việc bộ phận nghiệm thu xe cải tạo thường liên hệ dẫn khách về công ty và thu nhiều tiền hơn quy định để bỏ qua trình tự, thủ tục hoặc làm nhanh giấy chứng nhận cho chủ xe.

Ông Hải đồng ý cho tiếp tục làm và yêu cầu khoản thu theo quy định thì hạch toán đầy đủ vào sổ sách kế toán, khoản thu thêm thì góp vào quỹ để cuối năm chia cho anh em trong công ty.

Đối với những xe cải tạo yêu cầu có thiết kế, ông Hải đồng ý để ông Diệp tự liên hệ với đơn vị thiết kế trên Hà Nội làm dịch vụ và không yêu cầu thu khoản tiền làm hồ sơ thiết kế về công ty.

Đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, ông Diệp báo cáo xin được phép thu gấp 3 lần mức thu tối thiểu theo quy định. Ông Hải chấp thuận nhưng yêu cầu chỉ hạch toán viết hóa đơn với mức 1 lần, phần còn lại góp vào quỹ để cuối năm chia nhau.

Ông Hải chỉ đạo ông Nguyễn Xuân Ngọc, PGĐ yêu cầu bộ phận nghiệp vụ tiếp nhận lại toàn bộ khoản tiền liên quan đến việc cải tạo và chuyển cho thủ quỹ, yêu cầu bộ phận kế toán theo dõi và hạch toán khoản thu này.

Còn ông Diệp phân công bị cáo Tô Hồng Dương trực tiếp liên hệ khách hàng, thỏa thuận, thu tiền của chủ phương tiện.

Nhận tiền để rút ngắn thời gian đăng kiểm

VKS xác định từ năm 2020 đến năm 2022, bị cáo Lưu Minh Hải chỉ đạo bị cáo Diệp, Dương nhận tiền của các chủ phương tiện để giúp họ rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Cụ thể, đối với xe cải tạo đơn giản như lắp thêm nắp thùng hàng, mui gió trên nắp cabin… chi phí để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhanh và tạo điều kiện đăng kiểm nhanh hơn là 1,1 triệu đến 1,6 triệu đồng mỗi xe bao gồm chi phí theo quy định và tiền buộc phải đưa thêm.

Đối với xe cải tạo phức tạp như hoán cải thùng, cải tạo xe 16 chỗ thành xe Van, cải tạo xe 34 chỗ thành xe 39 chỗ… thì ông Diệp, ông Dương giúp chủ xe mua sẵn bản vẽ, không phải lập thủ tục lập và thẩm định hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công và không cần phải thi công tại đơn vị chức năng theo quy định, có thể thực hiện ở bất kỳ gara ô tô nào.

Để hợp lý hóa hồ sơ thiết kế và thi công cải tạo, ông Diệp gửi tin nhắn qua zalo các thông số của xe như ảnh đăng kiểm cũ, đăng ký xe, ảnh xe và nội dung cải tạo để ông Bùi Văn Lưu, PGĐ Công ty TKT lập hồ sơ thiết kế với giá 5 triệu đồng mỗi bộ hồ sơ.

Tiếp đó, ông Lưu ký hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công cải tạo có dấu của Cục Đăng kiểm Việt Nam và gửi lại cho ông Diệp.

Ngoài ra, trong hồ sơ nghiệm thu, biên bản kiểm tra nghiệm thu có phần đại diện cơ sở thi công thì ông Dương đưa cho chủ xe ký, nếu chủ xe chưa ký thì ông Dương trực tiếp ký luôn. Trên cơ sở hồ sơ này, ông Dương và ông Diệp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho chủ xe.

Kết quả điều tra xác định, ông Diệp và ông Dương nhận tiền và cấp giấy chứng nhận cải tạo cho 286 phương tiện với tổng số tiền đã nhận là 391 triệu đồng, trong đó tiền phải thu theo quy định là 176 triệu đồng, số tiền phải nộp thêm là 215 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Diệp thu thêm tiền ngoài của 21 chủ xe là 126 triệu đồng và ông Dương thu của 7 xe số tiền 2,8 triệu đồng. VKS xác định tổng số tiền nhận hối lộ để hoàn tất việc đăng kiểm cơ giới là 344 triệu đồng.

Trong đó, bị cáo Hải phải chịu trách nhiệm về số tiền 320 triệu đồng, bị cáo Diệp phải chịu trách nhiệm số tiền 341 triệu đồng, bị cáo Dương là 215 triệu đồng.

Trong vụ án này, VKSND Thái Bình xác định bị cáo Lưu Minh Hải giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, bị cáo Bùi Ngọc Diệp phân công chỉ đạo Tô Hồng Dương nhận tiền, giữ vai trò thứ hai và giữ vai trò thứ ba là bị cáo Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm