Đó là ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 25-10.
ĐB này cho rằng kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương không phải tự nhiên mà có mà đó là quá trình kiểm tra quy trình, có căn cứ chứng minh. Vụ lợi có nghĩa là động cơ vun vén cho cá nhân mình, lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện mà bản thân chi phối được để lôi kéo lợi ích về cho riêng mình.
"Về mặt Đảng, Ủy ban kiểm tra trung ương đã kết luận còn về mặt Nhà nước, cơ quan chức năng phải vào cuộc, xem xét trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự, kể cả pháp luật kinh tế, dân sự"- ĐB Lê Thanh Vân nói.
Theo ĐB này, khi đã làm rõ hành vi trái quy định của cá nhân ông Vũ Huy Hoàng và tổ chức đảng Bộ Công Thương thì cần thu hồi quyết định sai trái về nhân sự, xem xét mức độ thiệt hại, thu hồi tài sản thất thoát về cho nhà nước.
Ông Vân cho rằng phần lớn những vụ việc tương tự như ông Hoàng đều được phát hiện sau khi đã nghỉ hưu, trách nhiệm giám sát ở đây có vấn đề? Hiện tượng vi phạm pháp luật vừa qua có nhiều lý do, đó là quy định của Đảng, Nhà nước có nhiều kẽ hở để các cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng. Tiếp đến là kiểm soát nội bộ có vấn đề, tính đấu tranh của tập thể để chống lại lợi ích nhóm làm chưa tốt.
Sự vào cuộc của cơ quan chức năng cấp trên có thẩm quyền giám sát, kiểm tra làm chưa đến nơi đến chốn, bỏ lọt đối tượng lạm dụng quyền lực để làm những việc có lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích,…
Trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, vị này đã có dấu hiệu vi phạm từ trước, các cơ quan chức năng đã vào cuộc trước đó nhưng không được làm rõ.
Sau đó Trịnh Xuân Thanh còn được cá nhân, tập thể nào đó tiếp tục hợp thức hóa nhân vật Trịnh Xuân Thanh để luân chuyển theo chiều hướng đi lên như về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trúng cử ĐBQH với số phiếu cao.
"Nếu không có sự tiếp tay của nhóm lợi ích, Trịnh Xuân Thanh không thể leo cao như thế"- ĐB Lê Thanh Vân nhận định.
Cũng theo ĐB này, tuy Đảng đã đưa ra hình thức kỉ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân liên quan ở Bộ Công Thương nhưng Đảng không làm thay Nhà nước. Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm mạnh, triệt để tổ chức, cá nhân nào liên quan.
"Vua Lê Lợi đã từng quy định thưởng phạt rất nghiêm, những ai tiến cử hiền tài sẽ trọng thưởng, những ai tiến cử người không xứng đáng sẽ bị trừng phạt. Bây giờ ta chưa có quy định này mà phần lớn khi bổ nhiệm nhân sự đều dựa vào danh nghĩa tập thể để hợp thức để rồi khi vỡ lở lại bảo đúng quy trình. Quy trình đó là do con người vận hành và trách nhiệm cá nhân vận hành.
Theo đó, chúng ta cần có quy định kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm nhân sự, quy định rõ trách nhiệm người đề cử và tổ chức khi giới thiệu người không xứng đáng và gây thất thoát tài sản đất nước, lợi ích dân tộc"- ĐB Lê Thanh Vân kiến nghị.