Ngày 16-8, phiên tòa sơ thẩm xử vụ án hủy hoại rừng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.
Trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên đề nghị HĐXX phạt Huỳnh Anh Khương (nguyên cán bộ Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân), O Kinh (ngụ xã Xuân Quang 1) mỗi bị cáo từ bảy năm sáu tháng đến tám năm tù. Cùng tội hủy hoại rừng, VKS đề nghị phạt Phạm Xuân Trình (ngụ xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), La Lan Thập (ngụ xã Phú Mỡ) mỗi bị cáo từ bảy năm đến bảy năm sáu tháng tù.
VKS nhận định tháng 5-2015, Phạm Xuân Trình tự làm các hồ sơ đứng tên ba người dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ để đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) ba thửa đất rừng ở địa phương này. Được sự tác động của các ông Đỗ Minh Tân (Trưởng Công an huyện Đồng Xuân), Nguyễn Thành Chung (cán bộ điều tra công an huyện) ba hồ sơ trên đã được chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Phú Mỡ xác nhận, hoàn tất thủ tục niêm yết công khai.
Bị cáo Phạm Xuân Trình, người khai trưởng Công an huyện Đồng Xuân, Phú Yên liên can đến vụ phá rừng. Ảnh: TẤN LỘC
Tiếp đó, cán bộ Văn phòng Đăng ký QSDĐ (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện), Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân không kiểm tra, thẩm định hồ sơ mà ký xác nhận và được UBND huyện cấp các GCN với tổng diện tích hơn 83 ha rừng. Sau đó Phạm Xuân Trình lập khống các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ từ tên các hộ được cấp sang cho mình, rồi làm đơn xin phát dọn thực bì.
Cuối tháng 3-2016, Trình thuê gần 30 người sử dụng cưa máy và rựa phát trắng rừng. Thấy vậy, La O Kính, La Lan Thập cũng thuê người chặt phát rừng để lấy đất canh tác. Kết quả giám định của Sở NN&PTNT kết luận có tổng cộng gần 110 ha bị chặt phá. Trong đó có 33 ha rừng gồm 25 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Có 77 ha có cây gỗ tái sinh nhưng chưa thành rừng.
Trong phần tranh luận, luật sư (LS) Ngô Minh Tùng, bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Trình, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo LS Tùng, hành vi của bị cáo Trình liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác nhưng chưa được làm rõ hành vi, trách nhiệm. Quy trình xác nhận, xem xét cấp GCN QSDĐ sai phạm từ cấp cơ sở đến các phòng ban chuyên môn để tham mưu cho UBND huyện Đồng Xuân cấp giấy. Do đó không thể chỉ buộc tội các bị cáo mà bỏ qua sai phạm của những người liên can.
LS cũng dẫn ra nhiều tài liệu, chứng cứ cho rằng nhiều cán bộ đã tham gia vào quá trình thuê nhân công chặt phá rừng. LS cho rằng không chỉ bị cáo Trình mà còn nhiều cơ quan, tổ chức, cán bộ phải liên đới chịu trách nhiệm trong vụ án này.
LS bào chữa cho bị cáo Huỳnh Anh Khương cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ hành vi của các tổ chức, cá nhân liên quan khác.
Trước đó, VKSND tỉnh cho rằng kết quả điều tra không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự ông Đỗ Minh Tân, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân và ông Nguyễn Thành Chung, cán bộ điều tra công an huyện. Tương tự, VKS cũng cho rằng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự hai ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ và Cao Thanh Lương, Trưởng phòng TN&MT, trong việc góp tiền tham gia chặt phá hơn 14 ha rừng, trong đó trên 6 ha là rừng phòng hộ.
Hôm nay (17-8), dự kiến tòa sẽ tuyên án.