Vụ SAGRI: Luật sư và bị cáo mong đánh giá lại cáo buộc

Ngày 14-12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Chỉ thấy buộc mà chưa gỡ nhẹ

Bào chữa cho bị cáo Vân Trọng Dũng (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI, bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, bị đề nghị xử 6-7 năm tù), luật sư đồng tình tội danh, chỉ tranh luận về các tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư đề nghị xem xét việc hậu quả vụ án đã được khắc phục. Đồng thời, luật sư phân vân việc cáo buộc sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) gây thất thoát 672 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HY

Luật sư nêu: Có sự không khách quan, giám định mang tính một chiều và chưa hợp tình hợp lý; cụ thể chỉ từ năm 2017 đến 2019 tăng lên đến 300 tỉ đồng. 

Theo cáo buộc của VKS, thiệt hại tính tại thời điểm cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn và khởi tố vụ án. Thiệt hại 672 tỉ đồng tính từ 864,62 tỉ đồng là giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án - 168,21 tỉ đồng là giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án; 20 tỉ đồng là lợi thế thương mại theo thỏa thuận; 4,2 tỉ đồng là tiền thuế giá trị gia tăng.

Luật sư cho rằng VKS cần sửa lại việc đề nghị tòa tuyên hủy hợp đồng công chứng và thu hồi, thành công nhận hòa giải thành giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú vì hai bên đã thỏa thuận xong, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, thiệt hại không còn nữa.

Ngoài ra, luật sư cho rằng bị cáo Dũng ở thế bị động trong việc ra nghị quyết về giá. Luật sư mong HĐXX tuyên thân chủ mức án nhẹ.

Tại tòa, bị cáo Dũng thừa nhận hiểu tường tận quy trình chuyển nhượng dự án vướng nhiều sai phạm. Dù vậy, bị cáo vẫn ký văn bản, nghị quyết thực hiện chuyển nhượng dự án trái luật, phê duyệt giá chuyển nhượng toàn bộ dự án là hơn 168 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế. 

Quá trình điều tra và truy tố, bị cáo Dũng thừa nhận phạm tội do không dám va chạm hay đưa ra ý kiến trái chiều với bị cáo Lê Tấn Hùng (tổng giám đốc SAGRI).

Xin đổi tội danh vì “tội tham ô rất nhục”

Tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Trường (giám đốc Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, bị truy tố về tội tham ô) cho rằng không tư lợi, không có ý thức chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo trình bày bản thân là người không hiểu rõ quy định về pháp luật hình sự nên cũng không hiểu sao mình lại bị xử tội tham ô nhưng “bị xử tội này, bị cáo cảm thấy kỳ kỳ”. Vì vậy, bị cáo mong được đổi tội danh vì “không lấy cắc bạc nào mà thành tham ô. Tội danh này thực sự rất nhục cho gia đình, cho danh dự, cho các con, cho mẹ bị cáo”. 

Đề ngh xem li ti tham ô

Trong vụ án này, bị cáo Hùng cùng các đồng phạm tại SAGRI và bốn người nguyên là giám đốc, kế toán hai công ty du lịch bị cáo buộc lập khống chứng từ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô trên 13,3 tỉ đồng của SAGRI.

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Sĩ Hoài Thanh (kế toán trưởng Công ty Du lịch Thanh niên xung phong), luật sư cho rằng VKS truy tố về tội tham ô tài sản là đúng người nhưng không đúng tội. Theo luật sư, “có thể thân chủ tôi phạm vào tội khác. Còn với tội danh mà VKS quy kết thì chưa có đủ căn cứ, chưa thể hiện được sự thật khách quan của vụ án”.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Nguyên (kế toán trưởng Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình Quốc Tế, bị cáo buộc đồng phạm tội tham ô), luật sư cho rằng thân chủ không hưởng bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án này. Số tiền trong vụ án đã được thu hồi cũng như đã được khắc phục đầy đủ.

Luật sư không đồng ý cáo buộc của VKS về việc bị cáo Nguyên sử dụng số tiền hơn 586 triệu đồng cùng với bị cáo Đoàn Quang Hồi (giám đốc công ty). Vì hồ sơ vụ án không có bất kỳ phiếu chi, ký nhận nào của bị cáo Nguyên với số tiền này.

Không có bất kỳ chứng từ ngân hàng nào thể hiện có việc chuyển số tiền này cho bị cáo Nguyên. Các biên bản ghi lời khai bị cáo cũng không thể hiện việc bị cáo Nguyên sử dụng số tiền này. 

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyên cũng trả lời là hoàn toàn không sử dụng. Bị cáo Hồi cũng khai rằng bị cáo Nguyên không sử dụng số tiền nêu trên, vì “tôi là giám đốc, tôi chịu trách nhiệm về tiền trong tài khoản công ty”. Bị cáo Hồi cũng cho rằng không chi số tiền trên cho bị cáo Nguyên.

Trang 79 kết luận điều tra cũng thể hiện bị cáo Nguyên không thừa nhận được hưởng lợi ích vật chất gì. Theo luật sư, thân chủ có vai trò mờ nhạt và thứ yếu trong vụ án này, bị cáo chỉ là nhân viên kế toán thời vụ cho công ty.

 

Luật sư: “Ông Trần Trọng Tuấn không phạm tội”

Luật sư của bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên giám đốc Sở Xây dựng) bào chữa bổ sung rằng trong vụ án này, hậu quả tuy đã xảy ra nhưng về mặt tài sản không bị thất thoát bởi thanh tra đã phát hiện sai phạm và UBND TP đã thu hồi, hủy bỏ quyết định chấp nhận cho chuyển nhượng dự án và Nhà nước không có thiệt hại. Và không có căn cứ xác định mức thiệt hại là 672 tỉ đồng.

Đồng thời, luật sư nhắc lại rằng kết luận giám định của giám định viên Bộ Xây dựng không phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó, luật sư đi đến khẳng định “hội đồng thẩm định và cá nhân ông Tuấn không vi phạm quy định pháp luật về điều kiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khi thẩm định và ký tờ trình”. Luật sư nói thân chủ mình không phạm tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm