TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) vừa ban hành Quyết định 02/2018 về việc dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa xử vụ trộm vàng xảy ra từ hơn ba năm trước mà tòa này từng trả hồ sơ điều tra bổ sung năm lần.
Theo thông báo trước đó, tòa sẽ mở lại phiên xử vụ trộm vàng khó xử này vào ngày 2-11. Phiên tòa ngày 9-10 vừa qua đã phải hoãn do vắng mặt nhân chứng này và các thành viên Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện Bình Chánh.
Nhân chứng bị tòa ra lệnh dẫn giải là ông Trịnh Xuân Đức, ngụ đường Nguyễn Ngọc Cung, phường 16, quận 8 (TP.HCM).
Tại thời điểm xảy ra vụ án, ông Đức là chủ tiệm game ở ấp 1, xã Bình Hưng. Tiệm game này được cho là nơi các bị cáo tập kết để bàn bạc việc đi trộm, sau đó đột nhập nhà bị hại trộm rồi quay về tiệm chia tiền trộm được và tiền bán vàng. Còn ông Đức được xem như nhân chứng quan trọng góp phần chứng minh cho sự có liên quan hay không của hai bị cáo kêu oan từ đầu mà đến nay vẫn bị tạm giam là Nguyễn Ngọc Tiền và Nguyễn Minh Cường.
Theo Thông tư 13/2016, Quyết định 810/2006 quy định về thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát hỗ trợ tư pháp thì Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Bình Chánh sẽ có trách nhiệm thi hành quyết định dẫn giải nhân chứng đến phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên xử gần đây. Ảnh: PL
Như đã thông tin, ngày 12-10, các luật sư bào chữa đã gửi đơn kiến nghị, đề nghị tòa căn cứ Điều 127, Điều 293 BLTTHS 2015 ban hành quyết định dẫn giải đối với ông Đức vì ông này từng nhiều lần không có mặt tham gia tố tụng theo lệnh triệu tập của tòa. Theo các luật sư, ông Đức cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng, cũng không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của ông gây trở ngại cho việc xét xử.
Các luật sư cho rằng theo hồ sơ, khi vụ trộm mới xảy ra, ông chủ tiệm game đã có lời khai khẳng định "ngày xảy ra vụ trộm, Cường chơi ở tiệm suốt. Những người khác thì tôi không thấy”. Tuy nhiên, ba năm sau, ông Đức lại thay đổi lời khai theo hướng bất lợi cho những người bị truy tố rằng đêm trước ngày xảy ra vụ trộm thì Cường và Tiền ngủ tại tiệm game, sáng hôm sau đi ra ngoài khoảng 1-2 tiếng rồi quay lại, lúc này có mặt Thuận - bị can bị bắt đầu tiên, rồi lần lượt những người còn lại bị bắt.
Với lời khai trước sau bất nhất như vậy, việc ông Đức có mặt tại tòa để trả lời thẩm vấn là cần thiết nhằm góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án.
Vụ án này từng được tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung năm lần với các yêu cầu như trích xuất camera, giám định dấu vân tay, dấu vết tội phạm để lại nhà bị hại... Tuy nhiên, các yêu cầu này của tòa không thể thực hiện được…
Vụ trộm không có người chứng kiến, bị hại không nhìn thấy ai vào nhà trộm. CQĐT không thu thập được dấu vân tay của kẻ trộm tại nhà bị hại, không thu giữ được hình ảnh nhóm trộm bàn bạc việc đi trộm ở tiệm game bắn cá, đột nhập nhà bà Năm trộm rồi quay về tiệm game chia tiền trộm được và tiền bán vàng như truy tố. CQĐT cũng không xác định được người mua vàng. Số vàng bị trộm không thu hồi được.
Quy trình thực hiện việc dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa - Xác định đúng người đã có lệnh hoặc quyết định dẫn giải của tòa án; - Đọc và giải thích lệnh hoặc quyết định dẫn giải; - Giải thích về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng; - Lập biên bản về việc dẫn giải; - Tổ chức dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa (chú ý không được khóa tay, xích chân người làm chứng). Khi đến nơi xét xử, đưa người làm chứng vào khu vực riêng và chỉ đưa người làm chứng ra trước tòa khi có yêu cầu của hội đồng xét xử. (Trích Quyết định 810/2006 của bộ trưởng Bộ Công an về quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng) Nghĩa vụ của người làm chứng a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS. (Trích Điều 66 BLTTHS 2015) |